Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Nga: Cánh cửa đối thoại vẫn mở

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam G.S.Bezdetko nói trước tình hình căng thẳng hiện nay với Ukraine, Moscow vẫn để mở khả năng đàm phán, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh với Mỹ.

Trao đổi với Zing về tình hình căng thẳng hiện nay ở Ukraine, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam G.S.Bezdetko cho hay lập trường của nước này không thay đổi.

Ông cho biết thêm hoạt động quân sự trực tiếp của Mỹ và NATO tại biên giới Nga vẫn tiếp tục diễn ra. Trong bối cảnh đó, đại sứ Nga nói tình huống này là “không thể chấp nhận được và làm suy yếu triển vọng đạt được các thỏa thuận thực sự”.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi (Nga) trước sau như một, vẫn cởi mở cho đối thoại” về đảm bảo an ninh với Mỹ.

“Bước đi duy nhất”

Trước đó, Đại sứ Bezdetko cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nhận được lời kêu gọi của lãnh đạo và người dân Donbass yêu cầu sự công nhận từ Nga. Câu hỏi tương ứng cũng được các đại biểu Duma Quốc gia Liên bang Nga đưa ra trong thông điệp gửi tới người đứng đầu Điện Kremlin.

Trong bối cảnh đó, ngày 21/2, sau cuộc họp của Hội đồng an ninh, ông Putin đã ký sắc lệnh công nhận các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng là các quốc gia có chủ quyền và độc lập.

“Đây là bước đi duy nhất có thể được quyết định trong tình hình hiện tại", ông Bezdetko nhận định.

dai su quan nga tai viet nam len tieng ve tinh hinh ukraine anh 1

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam G.S.Bezdetko. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga.

Đại sứ Nga đưa ra hai lý do chính. Trước hết, về mặt nhân đạo, động thái này xuất phát từ mong muốn bảo vệ dân thường của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng, kể cả hàng trăm nghìn công dân Nga, “khỏi mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống và an ninh của họ xuất phát từ chế độ Ukraine hiện tại”, ông Bezdetko nói.

Bên cạnh đó, đại sứ Nga cho biết thêm ngày 22/2, thông qua trao đổi công hàm, một thỏa thuận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ quán giữa Nga với DPR và LPR đã được chính thức hóa. Các hiệp định về hữu nghị, hợp tác và tương trợ cũng được ký kết. Và chiến dịch quân sự đặc biệt được khởi động, với mục đích bắt buộc hòa bình, phi quân sự hóa Ukraine.

Theo Đại sứ Bezdetko, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã nỗ lực bền bỉ giải quyết những khác biệt thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình.

Do đó, với sự hỗ trợ tích cực của Nga và các bên trung gian quốc tế, cuộc đổ máu trong quá khứ đã chấm dứt. “Gói các biện pháp thực hiện thỏa thuận Minsk ngày 12/2/2015” đã được xây dựng, và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua bởi Nghị quyết 2202. Ông Bezdetko nhận định văn kiện này đã tạo cơ hội giải quyết cuộc xung đột về mặt chính trị ở miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, tại cuộc phỏng vấn khác ngày 24/2 với Zing, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina nói rằng "quân đội Nga đang tấn công các thành phố yên bình của Ukraine từ nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, Ukraine có đủ sức mạnh để ngăn chặn và nước này sẽ không đồng ý với bất kỳ kịch bản nào hạn chế sự độc lập, cũng như chủ quyền đất nước".

Mỹ chưa có phản ứng “mang tính xây dựng”

Đề cập đến các cuộc đàm phán đảm bảo an ninh với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Ukraine hiện nay, ông Bezdetko nhấn mạnh cho đến thời điểm này, Washington vẫn chưa đưa ra phản ứng mang tính xây dựng nào đối với các yếu tố cơ bản trong dự thảo hiệp ước về đảm bảo an ninh với Mỹ do Nga chuẩn bị.

dai su quan nga tai viet nam len tieng ve tinh hinh ukraine anh 2

Hình ảnh từ cuộc đàm phán Nga - Ukraine ở Belarus hôm 28/2. Ảnh: TASS.

Các yếu tố phía Nga đề xuất bao gồm việc ngừng mở rộng lực lượng của NATO, rút lại "công thức Bucharest" rằng "Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO".

Ngoài ra, Nga cũng muốn đảm bảo không có căn cứ quân sự nào được thành lập trên lãnh thổ các quốc gia trước đây nằm trong Liên Xô và không phải là thành viên liên minh, kể cả việc sử dụng cơ sở hạ tầng của họ để tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào. Cuối cùng, Nga cần NATO quay trở lại hiện trạng năm 1997, khi Định ước cơ bản thành lập Nga - NATO được ký kết.

“Những điều khoản này có tầm quan trọng cơ bản đối với Liên bang Nga”, đại sứ nói.

“(Tuy nhiên) các ‘lằn ranh đỏ’ và lợi ích cơ bản của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh, cũng như quyền chủ quyền của Nga để bảo vệ chúng, vẫn bị bỏ qua”, ông Bezdetko nhấn mạnh.

Ông cho hay trong trường hợp phía Mỹ không sẵn sàng đồng ý những ràng buộc về mặt pháp lý để đảm bảo an ninh của Moscow, Nga buộc phải đáp trả, trong đó bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp quân sự và kỹ thuật.


Chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao vì xung đột ở Ukraine

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây thêm nhiều vấn đề đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Phương Linh - Minh An

Bạn có thể quan tâm