Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Hà Lan: 'Tôi ngưỡng mộ phụ nữ Việt Nam'

"8/3 là dịp để phụ nữ được tôn vinh vì đóng góp cho xã hội, gia đình. Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam chưa được đánh giá đúng", Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman nói.

'Không phải phụ nữ ở quốc gia nào cũng được tôn trọng' "Quốc tế Phụ nữ cũng là ngày để chúng ta đồng cảm với những phụ nữ không được may mắn như mình", Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman nói về ý nghĩa của ngày 8/3.

Nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ tháng 8/2018, bà Elsbeth Akkerman đã quan sát và đưa ra góc nhìn của riêng mình về bình đẳng giới ở Việt Nam. Ngoài việc làm cầu nối ngoại giao giữa 2 dân tộc, bà luôn tận dụng mọi cơ hội để đến gần với người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ.

Chia sẻ với Zing.vn, nữ đại sứ cho biết đây cũng là lần đầu tiên bà đón ngày Quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam, ngày mà theo bà là đầy cảm xúc và ý nghĩa đối với một đại sứ.

Cần tạo dựng niềm tin cho phụ nữ Việt Nam

Nói về ngày 8/3, bà Akkerman cho rằng người Việt Nam đón nhận ngày này một cách rất nồng nhiệt. Dịp này thường đi liền với nhiều sự kiện, cho thấy Việt Nam rất ghi nhận những đóng góp của phái nữ cho xã hội, cho gia đình. 

“Tuy nhiên, phụ nữ Việt vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò trong cuộc sống hàng ngày”, Đại sứ Hà Lan cho biết.

Theo đó, rất nhiều phụ nữ Việt Nam làm công việc hành chính từ 8h sáng đến 5h chiều nhưng vẫn phải đảm nhận toàn bộ việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Theo một báo cáo của tổ chức Action Aid Vietnam, mỗi ngày phụ nữ phải dành ra trung bình 5 giờ đồng hồ để làm việc nhà.

Nếu được trả theo mức lương tối thiểu cho những việc chăm sóc không công, mỗi phụ nữ có thể kiếm thêm 2,5 triệu đồng/tháng. Đại sứ Hà Lan cho rằng việc dành quá nhiều thời gian để chăm sóc con cái và làm việc nhà có thể là một gánh nặng đối với phụ nữ Việt Nam.

“Tôi thực sự ngưỡng mộ khi họ cân bằng được công việc và cuộc sống”, bà Akkerman nói.

ngay quoc te phu nu anh 1
Bà Akkerman, Đại sứ Hà Lan, dành sự ngưỡng mộ cho phụ nữ Việt Nam khi họ có thể cân bằng được công việc và cuộc sống gia đinh. Ảnh: Mỹ Hà.

Theo bà, việc nhìn nhận đúng công lao của những người phụ nữ rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là nam giới cũng cần có sự tham gia cùng với phụ nữ, để san sẻ gánh nặng, gỡ bỏ những quy tắc bất công đối với người phụ nữ.

Bình đẳng giới không quyết định một xã hội có phát triển hay không, nhưng đó là dấu hiệu của một xã hội phát triển

Để có được sự tham gia này cần rất nhiều nỗ lực đến từ việc xây dựng luật, chính sách và đặc biệt là sự thay đổi trong quan niệm của mỗi cá nhân.

Đặc biệt, những phụ nữ dân tộc thiểu số hay vùng sâu vùng xa nếu được tiếp cận các điều kiện giáo dục, y tế đầy đủ, họ cũng có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội, gia đình và bản thân họ.

“Ngày 8/3 đối với tôi còn có một ý nghĩa khác. Đó không chỉ là ngày phụ nữ được ghi nhận những đóng góp, công lao cho xã hội; mà còn là ngày để chúng ta dành sự thương cảm với những người phụ nữ trên thế giới đang không được đối xử một cách tôn trọng, công bằng và bảo vệ”, Đại sứ Hà Lan cho biết.

“Bình đẳng giới là dấu hiệu của xã hội phát triển”

Hà Lan, quê hương của bà Akkerman được đánh giá là một trong 10 quốc gia đáng sống nhất dành cho phụ nữ. Trong cuộc trao đổi với Zing.vn, Đại sứ Hà Lan cũng nhiều lần nhấn mạnh về nữ quyền, nhân quyền và bình đẳng giới.

Theo bà, dù là một quốc gia nằm trong top những đất nước tốt nhất dành cho phụ nữ nhưng Hà Lan cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi sự thiếu bình đẳng trong một số vấn đề.

Phụ nữ và đàn ông của đất nước này vẫn có sự chênh lệch lớn về thu nhập. Với cùng một vị trí và chất lượng công việc tương đương, phụ nữ vẫn bị trả thấp hơn khoảng 30% lương so với nam giới.

“Hà Lan đã trải qua một chặng đường rất dài thì mới có được thành tựu nằm trong top 10, nhưng chúng tôi vẫn chưa đến đích”, Đại sứ Hà Lan nói.

Bình đẳng giới được nhìn nhận là một việc đúng đắn phải làm, hơn nữa, đó là việc khôn ngoan mọi xã hội phải hướng tới.

Bà cũng cho rằng nếu không tận dụng và phát huy được tối đã nguồn lao động là phụ nữ, các quốc gia đang lãng phí một nửa nguồn tài nguyên con người.

Phụ nữ chiếm 50% dân số đồng nghĩa với việc họ là 50% nguồn lao động. Vì vậy, việc cả hai giới có thể đóng góp một cách bình đẳng trong công việc sẽ giúp xã hội phát triển một cách bền vững, hiệu quả và nhanh chóng.

Vi vậy, mỗi người đều cần được đảm bảo những quyền lợi cơ bản của mình, được theo đuổi ước mơ, phát huy tối đa tài năng, năng khiếu của bản thân. Bình đẳng giới có thể coi là việc mà xã hội ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải làm, nếu muốn có sự phát triển toàn diện.

ngay quoc te phu nu anh 2
Bà Akkerman có ngày 8/3 đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Đối với mỗi quốc gia, thúc đẩy bình đẳng giới không nhất thiết là các chính sách, các quy định mà phải bắt đầu từ quan niệm, thái độ của cộng đồng đối với vấn đề này. Một khi mọi công dân có thể tự định hướng cho bản thân, không chịu bất cứ bất công, phân biệt đối xử, cản trở nào, nghĩa là xã hội đó đã văn minh hơn và phát triển hơn. 

Theo đó, những đất nước trân trọng giá trị của nam và nữ như nhau, đảm bảo bé trai và bé gái được trao các cơ hội bình đẳng trong giáo dục, phát triển, tự định hướng bản thân điều đó có nghĩa nước đó đang tiến lên, họ suy nghĩ thực tế và đất nước đó đã sẵn sàng để hướng tới tương lai.

"Bình đẳng giới không quyết định một xã hội có phát triển hay không, nhưng đó là dấu hiệu của một xã hội phát triển", bà Akkerman nhận định.


'Đàn ông hưởng lợi rất nhiều khi phụ nữ được trao cơ hội phát triển'

Đại sứ Đan Mạch ông Kim Højlund Christensen cho rằng nam giới nên hiểu rằng chính họ cũng được lợi khi nửa còn lại của xã hội được trao cơ hội, phát huy hết tiềm năng để phát triển



Sơn Hà - Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm