Tại quán bar bên bờ biển ở Đài Loan (Trung Quốc), một số ít du khách mặc đồ bơi và đi chân trần ở ngoài trời, tận hưởng đêm giữa tuần ấm áp, bia giá rẻ, không có đám đông và sự sôi động.
Trong lúc phục vụ đồ uống, chủ của quán bar cho biết du lịch trong nước đến làng lướt sóng South Bay đang bùng nổ, nhưng chủ yếu là vào cuối tuần. Các ngày trong tuần vắng bóng khách quốc tế, chưa nói tới việc bù đắp cho 3 tháng khó khăn buộc phải đóng cửa vì đợt bùng phát dịch Covid-19 vào mùa hè vừa rồi.
Cô cho biết việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng. Quán không thể mua những thứ cơ bản như sốt mayonnaise hoặc bánh ngô.
"Thật là điên rồ, tôi không tìm thấy thứ này trong ba tháng qua", cô nói với Guardian.
Những khung cảnh trên cho thấy "vận may" lẫn lộn của Đài Loan, khi phần còn lại của thế giới đã mở cửa, nhưng hòn đảo vẫn "cửa đóng then cài" vô thời hạn.
Cái giá của "Zero Covid-19"
Trong 18 tháng qua, ai được sống ở Đài Loan là may mắn. Khi các thành phố bị phong tỏa khắp Trung Quốc đại lục, châu Âu và châu Á, và số ca tử vong lên hàng tới hàng triệu người, cuộc sống tại Đài Loan vẫn an toàn, sôi động và bình thường.
Nhờ chiến lược ngăn chặn ca bệnh và loại bỏ nhanh chóng, Đài Loan chỉ ghi nhận 16.430 ca mắc - chủ yếu là ca nhập cảnh và phát hiện trong khu cách ly - và 847 người tử vong.
Thế nhưng giờ đây, khi thế giới bắt đầu mở cửa, chấp nhận chung sống với virus, Đài Loan có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Hòn đảo này đã tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa - biên giới đóng cửa, cách ly nghiêm ngặt, truy vết và bắt buộc đeo khẩu trang. Có rất ít dấu hiệu cho thấy những yêu cầu này sẽ sớm kết thúc.
Đài Loan - cùng với Trung Quốc đại lục và Hong Kong - là một trong số những nơi quyết tâm chống lại việc gia nhập thế giới hậu Covid-19. Điều đó đồng nghĩa họ phải vật lộn để hiểu "Zero Covid-19" có ý nghĩa thế nào đối với nền kinh tế và người dân.
Hạn chế về biên giới đã đè bẹp du lịch quốc tế, cản trở thương mại và làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng. Dịch vụ hàng không đến và đi từ một số quốc gia bị đình chỉ. Gia đình ly tán, sinh kế của người dân không được đảm bảo.
Trong suốt đại dịch, khách du lịch và những người không cư trú tại Đài Loan đã bị cấm nhập cảnh, bao gồm cả đối tác nước ngoài và con cái của người Đài Loan. Giới chức gần đây đã dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng chỉ áp dụng cho các gia đình của công dân Đài Loan, không phải cư dân nước ngoài.
Những người lính mặc đồ bảo hộ khử trùng ga tàu điện ngầm ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: Reuters. |
“Không thể ở bên người mình yêu thực sự rất khó khăn”, Clement Potier, quốc tịch Pháp, người có bạn đời đang mắc kẹt ở nước ngoài cho biết. Ông nói rằng việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm còn gây khó chịu hơn, bởi "việc đó khả thi với người khác, nhưng không phải với bạn".
Năm 2019, có hơn 29 triệu lượt khách quốc tế đến Đài Loan. Vào năm 2020, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch và trước khi có vaccine, con số này giảm xuống còn 3,9 triệu. Hiện tại, nó dừng ở 335.000.
Vào tháng 7, Economist Intelligence Unit cho biết phương pháp tiếp cận "Zero Covid-19" áp dụng ở các nước châu Á “đã mang lại lợi ích về sức khỏe và kinh tế".
“Nếu phần còn lại của thế giới áp dụng cách tiếp cận tương tự, 'Zero Covid-19' sẽ là một chiến lược bền vững", tổ chức này nhận định. Tuy nhiên, rõ ràng là chuyện này đã không xảy ra, và chính sách không khoan nhượng "sẽ trở nên không khả thi khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại”.
Một số doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Loan dựa vào thị trường toàn cầu đã bắt đầu xem xét việc di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi hòn đảo. Họ không biết khi nào các hạn chế sẽ được dỡ bỏ, bởi không có lộ trình rõ ràng nào được đưa ra.
Hiện tại, tất cả người nhập cảnh vào Đài Loan phải cách ly trong khách sạn hoặc cơ sở do chính phủ chỉ định. Việc cách ly tại nhà đã không còn được áp dụng sau khi biện pháp này có liên quan tới đợt bùng phát biến chủng Delta tại quận Pingtung.
Người Đài Loan chưa sẵn sàng
Một yếu tố chính khiến Đài Loan tiếp tục đóng cửa là do khó khăn khi phải đáp ứng tương đồng tỷ lệ tiêm vaccine của hòn đảo với tỷ lệ tiêm chủng quốc tế, đặc biệt là mũi thứ 2. Đài Loan từng trì hoãn tới 12 tuần trong việc cung cấp liều vaccine Moderna thứ 2 cho một số ngành nghề - trong khi khuyến nghị của WHO là 28 ngày. Một số người đã buộc phải lùng sục khắp các bệnh viện để có được mũi thứ 2.
Nguồn cung vaccine theo đơn đặt hàng thấp, tình trạng thiếu hụt toàn cầu, cùng với sự can thiệp của Trung Quốc khiến chương trình tiêm chủng của Đài Loan phần lớn đến từ các khoản hỗ trợ. Gần đây nhất, Đài Loan đã tự phát triển vaccine nội địa.
Khoảng 73% người dân ở Đài Loan đã được tiêm ít nhất một liều - với tỷ lệ cao nhất ở người cao tuổi - trong khi chỉ có hơn 1/3 nhận liều thứ hai. Chính quyền khẳng định họ đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tiêm chủng 60% vào cuối năm nay khi xem xét những thay đổi trong tương lai.
Giáo sư Chunhuei Chi, Giám đốc trung tâm sức khỏe toàn cầu của Đại học Bang Oregon, cho biết chính trị cũng là yếu tố góp phần vào chiến lược này. Với các cuộc bầu cử địa phương đang diễn ra, ông Chi dự đoán đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) sẽ chờ rồi mới mở cửa biên giới, bởi bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh nào cũng sẽ bị đảng đối lập sử dụng để chỉ trích.
Khoảng 73% người dân ở Đài Loan đã được tiêm ít nhất một liều - với tỷ lệ cao nhất ở người cao tuổi - trong khi chỉ có hơn 1/3 nhận liều thứ hai. Ảnh: Taipei Times. |
Vào tháng 9, Trung tâm chỉ huy dịch bệnh của Đài Loan (CECC) nói rằng "Zero Covid-19" không phải là chính sách mục tiêu của hòn đảo, nhưng họ vẫn hướng theo nó. Khi được hỏi liệu kế hoạch là cùng tồn tại hay loại bỏ hoàn toàn virus, người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan Chen Shih-chung trả lời là "cả hai".
“Mục tiêu hiện tại là đạt được 'Zero Covid-19', nhưng Đài Loan cũng phải chuẩn bị để sống chung", ông nói.
Công chúng có sẵn sàng hay không cũng là vấn đề then chốt trong ngắn hạn nếu Đài Loan mở cửa, nhằm giải quyết nỗi sợ hãi và sự kỳ thị liên quan đến ca bệnh Covid-19.
"Ngay cả khi Đài Loan có 70% dân số được tiêm hai liều, vẫn đáng lo ngại khi nghĩ đến việc mở cửa”, một người viết trên mạng xã hội. “Người Đài Loan sợ chết và mở cửa sau khi tiêm phòng. Họ vẫn còn do dự”.
Giáo sư Steve Tsang, thuộc Viện SOAS của Đại học London, cho biết ông hiểu lý do chính quyền lại hành động chậm chạp, "nhưng sẽ phải chấp nhận sống chung với Covid-19, và chính sách 'Zero Covid-19' không bền vững”.
“Có thể cần thêm thời gian để tăng tỷ lệ tiêm chủng trước khi nới lỏng các hạn chế đi lại, nhưng cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí để thực hiện việc này", ông nói thêm.