Nội chiến ở Syria là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại cuộc họp Đại Hội đồng thường niên của Liên Hợp Quốc. Syria là nơi thực hiện thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Mỹ vào ngày 19/9, cũng là nơi Mỹ thực hiện cuộc không kích "nhầm" vào quân đội Syria trong khi thực hiện nhiệm vụ tấn công IS hôm 17/9.
Một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trước đó Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc họp kín theo yêu cầu của Nga để thảo luận về các cuộc không kích. Cuộc họp căng thẳng này cho thấy những khó khăn trong tương lai khi Mỹ và Nga vẫn còn nghi ngờ về ý đồ của nhau ở Syria.
Nga bị cáo buộc chỉ "giả vờ" yêu cầu họp trong khi không có những động thái tương ứng đáp trả với những hành động gây nguy hiểm của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad gây ra với người dân.
Mâu thuẫn trong giải quyết cuộc không kích có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc họp giữa các bộ trưởng trong Hội đồng Bảo an về Syria dự kiến diễn ra vào 21/9 tới.
Nga đã thúc đẩy một nghị quyết ủng hộ việc chấm dứt chiến sự trong khi Mỹ từ chối công khai những chi tiết liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên vì lý do an ninh. Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho rằng Mỹ không hợp tác và lo ngại giải pháp sẽ không được đưa ra.
Tổng thư ký Ban Ki Moon trước đó đã mời các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Tị nạn và Di cư vào ngày 19/8 tới.
Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, số lượng người di cư đạt mức 65,3 triệu vào cuối năm 2015 là con số cao nhất kể từ Thế chiến II.
"Nhiều nước phải tái định cư cho người tị nạn, những người buộc phải rời khỏi quê hương của mình", ông Ban Ki Moon nói với các phóng viên hôm 14/9.
"Và tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, phải đứng lên chống lại tình trạng thù địch mà rất nhiều người tị nạn, người di cư và cộng đồng dân tộc thiểu số phải đối mặt", ông cho biết thêm.
Một hội nghị thượng đỉnh khác dự kiến diễn ra ngay hôm sau theo lời đề nghị của tổng thống Barack Obama. Ít nhất 45 quốc gia được kỳ vọng sẽ đạt hoặc vượt mức cam kết tăng 3 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo, tăng gấp đôi số lượng các suất tái định cư và các điểm nhập cư hợp pháp, đồng thời tăng chi tiêu cho việc cung cấp giáo dục và việc làm cho một triệu thanh niên, AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
"Chúng tôi sẽ không giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ngay hôm thứ ba (20/9)... nhưng chúng ta sẽ thấy được sự thể hiện ý chí rõ ràng từ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới", đại sứ Mỹ Samantha Power nói.
Hai vấn đề trên chỉ là một trong số nhiều vấn đề mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt trong cuộc họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc từ ngày 19/9 tới. 135 người đứng đầu các chính phủ và hơn 50 bộ trưởng sẽ phải đối mặt với các vấn đề như gia tăng căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, chiến tranh ở Trung Đông và châu Phi, khủng bố trên toàn thế giới và biến đổi khí hậu.
Một điểm đáng chú ý khác trong hội nghị của Liên Hợp Quốc lần này chính là các phát biểu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, người sắp rời nhiệm sở vào cuối năm nay, tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ Barack Obama và tân Thủ tướng Anh Theresa May trong phiên khai mạc sáng ngày 20/9.
Người kế nhiệm ông Ban cũng là chủ đề nóng, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres dẫn đầu cả 4 lần bỏ phiếu chính thức của Hội đồng Bảo An, nhưng không tránh khỏi khả năng bị Nga bị phủ quyết.