Không quốc gia nào có quyền phủ quyết trong Đại hội đồng (gồm 193 thành viên), và dự thảo nghị quyết có thể được thông qua nếu nhận được 2/3 phiếu thuận trong tổng số phiếu, theo Reuters.
Dự thảo nghị quyết đã có ít nhất 80 nước đồng ý, các nhà ngoại giao cho biết ngày 28/2. Hơn 100 quốc gia sẽ phát biểu trước khi Đại Hội đồng biểu quyết.
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Nicolas de Riviere nói: "Bỏ phiếu trắng không phải là một lựa chọn".
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (gồm 15 thành viên) ngày 25/2 đã bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết tương tự, nhưng bị Nga phủ quyết, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng, khiến dự thảo không được thông qua. Nga là quốc gia có quyền phủ quyết các văn bản của Hội đồng Bảo an, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh, vì là các thành viên thường trực.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu trong phiên họp khẩn của Đại Hội đồng, ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc khi đó chỉ trích người đồng cấp Nga "lạm quyền", sau khi đại diện Nga bỏ phiếu phủ quyết.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa các quan chức Nga và Ukraine đã không đạt được bước đột phá vào ngày 28/2.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ "không chỉ ngăn chặn ngay lập tức chiến sự mà còn là con đường hướng tới giải pháp ngoại giao”.
Hội đồng Bảo an đã triệu tập Phiên họp Đặc biệt Khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28/2 để thảo luận về tình hình Ukraine. Lần gần nhất Liên Hợp Quốc họp khẩn theo thể thức này là năm 1982.
Chủ tịch Đại Hội đồng Abdulla Shahid (Maldives) tiếp tục lời kêu gọi các bên liên quan đến xung đột tại Ukraine ngừng bắn ngay lập tức.