Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Paris-Match của Pháp, được xuất bản hôm 14/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông đang xem xét "nhiều lựa chọn thay thế" khác có thể thực hiện bằng công nghệ kỹ thuật số.
Một số đặc phái viên Liên Hợp Quốc đã dự đoán rằng cuộc họp sẽ diễn ra trực tuyến, đặc biệt khi năm nay là năm kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này.
Năm nay, "các thủ tục chắc chắn sẽ khác biệt, kết hợp giữa nhiều phương thức" và "giảm bớt sự hiện diện thực tế", một đại sứ nói với AFP.
Nhà ngoại giao này nói rằng ông cảm thấy Liên Hợp Quốc (UN) có thể tổ chức một "cuộc tập trung đông người ở Manhattan" vào thời điểm virus chưa bị loại bỏ hoàn toàn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 24/9/2019. Ảnh: AFP. |
Từ giữa tháng 3, vì đại dịch và các biện pháp phong tỏa chống virus tại New York, nhân viên Liên Hợp Quốc và các nhà ngoại giao đã làm việc tại nhà.
Trụ sở của Liên Hợp Quốc vẫn mở cửa nhưng rất ít người ở đó. Cả Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng đều họp qua cuộc gọi video.
Tình trạng này sẽ được kéo dài ít nhất cho đến cuối tháng 6.
Cuộc họp thường niên của Đại hội đồng sẽ bắt đầu vào ngày 15/9. Phiên họp có hàng chục bài phát biểu của các lãnh đạo thế giới sẽ bắt đầu vào ngày 22/9.
Đây là cuộc họp ngoại giao thường niên lớn nhất trên thế giới với hàng trăm sự kiện bên lề ở New York cũng như hàng nghìn cuộc họp song phương và đa phương. Sự kiện này chưa bao giờ bị hủy kể từ khi Liên Hợp Quốc thành lập năm 1945.
Cuộc họp đã bị trì hoãn hai lần, sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại New York và năm 1964 do cuộc khủng hoảng tài chính trong Liên Hợp Quốc và một số thành viên phải đối mặt với việc mất quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên, cuộc họp không bị hoãn khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjold thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Bắc Rhodesia (Zambia ngày nay) vào ngày 18/9/1961.