Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là cách trường Đại học Thủ đô Hà Nội hoàn thiện chương trình đào tạo sinh viên, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động.
Chiến lược hợp tác với doanh nghiệp
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội - cho biết trường xác định việc hợp tác với doanh nghiệp là nhiệm vụ chung trong chiến lược phát triển. Theo đó, trường hợp tác doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Cải tiến chương trình đào tạo theo chuẩn đầu; Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các bên; Nâng cao hiệu quả tài chính trong đào tạo và tuyển dụng.
Sinh viên lớp Quản trị khách sạn D2018 thực tập tại Intercontinental Landmark 72. |
Thông qua việc hợp tác, nhà trường có thể lắng nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, trường chú trọng thời lượng thực hành, thực tập theo cơ cấu 50-50; giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc sớm với ngành nghề lựa chọn; đào tạo kỹ năng - thái độ, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong làm việc nghiêm túc (vốn là những điểm yếu của sinh viên mới tốt nghiệp).
“Chúng tôi từng bước trao quyền tự chủ cho các khoa của trường, thông qua chương trình đào tạo và hoạt động liên kết. Thời gian tới, trường sẽ xây dựng mô hình doanh nghiệp trong nhà trường để nâng cao hiệu quả hợp tác”, hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ.
Sinh viên trường ĐH Thủ Đô Hà Nội tham quan Khu công nghiệp Nam Đình Vũ và cảng Nam Đình Vũ. |
Đóng góp của doanh nghiệp với nhà trường
Để duy trì nguồn tài chính thực hiện liên kết đào tạo, TS Đỗ Hồng Cường - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội - cho rằng nhà trường cần thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Theo đó, trường có thể hợp tác doanh nghiệp và nhà tài trợ thông qua các hình thức như học bổng; cung cấp nguồn nhân lực từ doanh nghiệp cho công tác giảng dạy; hợp đồng nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu…
Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhận tài trợ từ Ngân hàng Agribank. |
Cụ thể, doanh nghiệp nên có chiến lược nuôi dưỡng, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học bằng hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể “đặt hàng” cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết hoặc đang có nhu cầu.
Doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho nhà trường bằng việc thành lập các công ty, khu công nghệ, đóng góp trang thiết bị cho phòng thực hành, thí nghiệm, xây dựng giảng đường phục vụ giảng dạy và học tập. Hợp tác nhà trường thông qua tham gia đào tạo, góp ý cải tiến chương trình, sử dụng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền số liệu Việt Nam (DCV), những năm qua trường Đại học Thủ đô Hà Nội và đơn vị liên kết chặt chẽ trong đào tạo và tuyển dụng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, sinh viên ngành Công nghệ thông tin Đại học Thủ đô Hà Nội khi đến doanh nghiệp thực tập và làm việc có khả năng sáng tạo, ý thức kỷ luật tốt.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội ký kết hợp tác với DCV. |
Thực tập tại Công ty Cổ phần Truyền số liệu Việt Nam (DCV), sinh viên được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, được hỗ trợ triển khai và hoàn thành đề tài khóa luận tốt nghiệp... Ngược lại, công ty đưa một số dự án thực tiễn vào giảng dạy tại trường. “Chúng tôi có cơ hội tuyển dụng sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp. Nhờ vốn kiến thức thực tế, các bạn sinh viên thích ứng công việc nhanh, hòa nhập môi trường làm việc của doanh nghiệp hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Thi chia sẻ.
Đại học Thủ đô Hà Nội (tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) hiện liên kết đào tạo trên 100 doanh nghiệp và đối tác. Riêng trong lĩnh vực sư phạm, trường liên kết với 50 đơn vị và tổ chức giáo dục; lĩnh vực văn hóa - du lịch, trường liên kết gần 30 đối tác tuyển dụng và cơ sở đào tạo. Các hoạt động hợp tác mang lại hiệu quả đào tạo cho nhà trường và sinh viên, cũng như đem đến lợi ích cho doanh nghiệp.
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - số 98 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội | Website: hnmu.edu.vn
Bình luận