Theo nguồn tin của Bloomberg và CNBC, Forever 21 đang kiệt sức sau quãng thời gian kinh doanh thua lỗ và cạn kiệt vốn. Vài tháng qua, ban lãnh đạo Forever 21 nỗ lực tìm phương án tái cơ cấu nợ, nhưng tất cả đều không đi đến đâu.
Các cuộc đàm phán với một loạt chủ nợ đều rơi vào bế tắc. Do đó, nhiều khả năng hãng thời trang có trụ sở tại Los Angeles (California, Mỹ) sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Theo luật bảo hộ phá sản Mỹ, Forever 21 có thể đóng cửa một số cửa hàng làm ăn thua lỗ và giảm nợ. Mục tiêu là tạo ra một công ty mới, có quy mô nhỏ hơn, có một khởi đầu mới.
Một cửa hàng Forever 21 ở Miami. Ảnh: Bloomberg. |
Giống như các hãng thời trang bình dân khác như Topshop, Gap hay Abercrombie & Fitch, Forever 21 đối mặt với rất nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh của các nền tảng bán lẻ trực tuyến.
Doanh số của Forever 21 tập trung ở các cửa hàng tại những trung tâm mua sắm lớn đang dần đánh mất sức thu hút đối với người tiêu dùng. Doanh số giảm, Forever 21 vẫn phải tốn quá nhiều chi phí để duy trì hoạt động của các cửa hàng và không đủ vốn để đầu tư vào mảng bán hàng online.
Forever 21 hiện có tới 815 cửa hàng trên phạm vi toàn cầu. Cửa hàng flagship lớn nhất của Forever 21 có diện tích lên đến 11.706 m2 (Las Vegas, Mỹ).
USA Today dẫn lời luật sư Eric Snyder thuộc hãng Wilk Auslander ở New York cho biết: "Việc xin bảo hộ phá sản sẽ tạo điều kiện cho Forever 21 thương lượng lại giá thuê ở nhiều cửa hàng kinh doanh yếu kém, hoặc hủy hợp đồng thuê".
Trước Forever 21, hồi đầu tháng 8 hãng bán lẻ hàng xa xỉ Barneys New York cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản và cho biết sẽ đóng cửa 15 trong tổng số 22 cửa hàng.