Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Thái muốn mua trọn lọc hóa dầu Long Sơn

Theo Nikkei, tập đoàn công nghiệp Siam Cement Group (SCG) có thể sẽ trở thành nhà đầu tư duy nhất của dự án phức hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) trị giá 5,4 tỷ USD.

Theo báo giới trong nước, SCG đã gửi thư tới Chính phủ đề nghị được mua lại 100% quyền sở hữu để tăng tốc dự án vốn đã nhiều lần chậm tiến độ này. SCG hiện nắm 71% cổ phần trong khi PVN nắm 29% cổ phần còn lại.

Vào hôm 24/1, CEO của SCG là ông Roongrote Rangsiyopash chia sẻ với giới truyền thông rằng công ty đang trong quá trình đàm phán với Chính phủ Việt Nam về vấn đề đầu tư và thi công dự án. Khi được hỏi về khả năng mua lại 29% cổ phần còn lại, ông Roongrote cho hay "mọi phương án đều đang được bỏ ngỏ".

scg mua hoa dau long son anh 1

Ông Chaovalit Ekabut, giám đốc tài chính của SCG, cũng cho hay dự án có thể sẽ chậm tiến độ thêm 6 tháng nữa nếu theo lịch trình hiện tại và hướng tới đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2022. Ông này cho hay quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu vào đầu năm 2018.

Dự án được kỳ vọng sẽ là khu phức hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam đã trải qua nhiều năm "đắp chiếu" sau khi nhiều nhà đầu tư đến rồi đi kể từ khi dự án được Chính phủ thông qua. Theo quy hoạch ban đầu, dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2017.

Nhà đầu tư ban đầu của dự án là SCG và hai Tập đoàn Nhà nước là PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trong đó, Tập đoàn của Thái là nhà đầu tư lớn nhất.

Năm 2012, doanh nghiệp Nhà nước của Qatar là Qatar Petroleum đã mua lại 25% cổ phần của dự án. Tuy nhiên, năm 2015, công ty này rút ra vì giá dầu giảm ảnh hưởng đến ngành kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

SCG, khi đó sở hữu 46% cổ phần, quyết định mua lại lượng cổ phiếu của Qatar-Petroleum sau khi việc tìm kiếm đối tác mới không thành. Cùng lúc đó, Vinachem cũng rút khỏi dự án vào năm 2014, chuyển 11% cổ phần cho PVN.

Với SCG, dự án này đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của doanh nghiệp. "Chúng tôi có thể thấy rõ với dự án Long Sơn, lĩnh vực hóa dầu của chúng tôi sẽ ngày càng mở rộng và hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Việt Nam cũng lớn mạnh hơn", ông Roongrote cho hay.

Tốc độ phục hồi chậm của nền kinh tế Thái Lan khiến ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nước này bị ảnh hưởng theo. Năm 2017, nhu cầu xi măng của Thái Lan giảm 5%. SCG dự báo doanh thu xi măng sẽ tăng 2-3% trong năm 2018 khi nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Thái Lan được khởi công.

Để đa dạng hóa hoạt động sản xuất, SCG đang ra sức mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực, xây dựng nhà máy xi măng ở Campuchia, Indonesia, Lào và Myanmar. Công ty đang đặt nhiều kỳ vọng vào công nghiệp xây dựng tại các nước đang phát triển sẽ bùng nổ trong những năm tới đây. Tuy nhiên nhiều đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc cũng đang thâm nhập thị trường khu vực.

Lợi nhuận năm 2017 của SCG giảm 2% xuống còn 55,04 tỷ bạt Thái, dù doanh thu tăng 6% lên mức 450 tỷ bạt. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nguyên nhân được đưa ra là cạnh tranh gay gắt trong ngành vật liệu xây dựng.

Suy kiệt: Lời cảnh báo từ mỏ dầu lớn nhất Việt Nam

Hầu hết mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng. Mỏ Bạch Hổ có sản lượng lớn nhất, đã vào giai đoạn suy kiệt.

Ngô Minh

Theo Nikkei

Bạn có thể quan tâm