Do thiếu thông tin, sự hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết và thiếu việc làm, thu nhập thấp nên nhiều nữ công nhân dễ rơi vào nguy cơ bị lợi dụng, mua bán dâm.
Từ công nhân tới “quà quê”
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), không ai không biết tới Trang, một “quà quê” mà nhiều "đại gia" săn đón. Hồi đi học, Trang được coi là hoa khôi của một trường miền núi của tỉnh Hà Giang.
Nhà nghèo nên sau khi thi trượt đại học, Trang lặn lội ra Hà Nội tìm việc. Gõ cửa hết công ty này đến công ty khác, cuối cùng cô cũng kiếm được công việc may gia công cho một doanh nghiệp chuyên về may mặc với mức lương 1,1 triệu đồng/tháng. Làm được vài tháng, cơn bão khủng hoảng kinh tế tràn tới đẩy cô rơi vào cảnh thất nghiệp.
Đang lúc không việc làm, không nơi nương tựa thì một người đàn ông “nghĩa hiệp” xuất hiện. Ông ta trang trải toàn bộ tiền thuê nhà, tiền ăn và trả thêm cho Trang một triệu đồng mỗi tháng với điều kiện có thể đến với Trang bất cứ lúc nào.
Công nhân tan ca tại một khu công nghiệp. |
Điều kiện quá hấp dẫn khiến Trang nhắm mắt chấp thuận dù biết ông ta đã có gia đình. Không những vậy, để có thêm tiền, Trang chấp nhận làm món “quà quê” cho vài người đàn ông khác.
Dạo qua các nhà trọ ven khu công nghiệp sẽ không mấy khó khăn nhận diện những nữ công nhân đang tự biến mình thành “quà quê”. Sở dĩ các đại gia gọi đó là “quà quê” bởi theo họ, những cô gái có gốc gác quê mùa này đa phần vẫn còn giữ được “hương đồng gió nội”, không “moi” giỏi như những cô gái nhà hàng.
Đây là “mảnh đất” béo bở để những anh chàng họ Sở tha hồ “cày bừa”. Họ yêu chóng vánh, trao thân dễ dàng và khi người yêu ra đi thì nữ công nhân buộc phải chối bỏ giọt máu trong bụng mình để có cơ hội xây dựng tương lai với người khác.
Để đánh giá bước đầu về tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế đối với việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân nữ nhập cư và mối liên hệ với nguy cơ mua bán người, Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực và ActionAid Việt Nam đã phối hợp lựa chọn địa bàn một số thành phố công nghiệp có tính chất đại diện của vấn đề để nghiên cứu.
Đó là xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội (có khoảng 20.000 công nhân nhập cư, 70% là nữ); phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng (có khoảng 29.000 công nhân nhập cư, 65% là nữ); phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh (60.000 công nhân nhập cư, 75% là nữ).
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, phần lớn lao động nữ nhập cư chỉ được doanh nghiệp ký hợp đồng ngắn hạn, chỉ có 28% nữ công nhân nhập cư có hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 10% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng miệng hoặc không ký hợp đồng lao động; 24% đang ký hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm những công việc có tính chất thường xuyên, không thời vụ.
Tính chất bấp bênh còn thể hiện ở chỗ có 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc 1-5 lần trong 5 năm qua. Tiền lương và thu nhập thực tế của hầu hết công nhân nữ nhập cư từ nơi làm việc giảm so với trước (bình quân từ 15-30%) nên người lao động phải chi tiêu tiết kiệm, kham khổ hơn, nhất là những người phải tiết kiệm tiền để gửi về hỗ trợ gia đình, người thân.
Dễ sa chân vào cạm bẫy vì ít được quan tâm
Trên 90% công nhân nữ nhập cư đều xác định khi bị giảm hoặc mất việc làm, giảm thu nhập sẽ tìm kiếm một công việc mới (kể cả công việc có điều kiện lao động thấp kém hơn), ít người lựa chọn phương án trở về quê.
Đáng buồn là theo kết quả điều tra, đã có nhiều thông tin cho thấy có sự tham gia của một số công nhân nữ nhập cư vào hoạt động mại dâm, làm việc ở những cơ sở “nhạy cảm” như massage, karaoke “ôm”, nhà nghỉ, cắt tóc – gội đầu – giải khát – thư giãn… trên địa bàn cư trú hoặc ở những địa bàn lân cận.
Có một thực tế đang diễn ra là các chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến những khó khăn của công nhân như việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại, tham gia hội họp, học tập.
Đặc biệt, nữ công nhân nhập cư phải sống trong các khu trọ không được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không được hưởng thụ văn hoá và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, công nhân ở đây - nhất là công nhân nữ - thường thuê chung 3 - 4 người/nhà và không có bất kỳ phương tiện thông tin giải trí nào, từ tivi đến sách báo.
Phần lớn các nữ công nhân đều đến từ các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và các huyện ngoại thành, chưa qua đào tạo, tay nghề thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất công nghiệp, tâm lý không ổn định.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động hơn, nhiều lao động nữ nông thôn vẫn tìm đường lên thành thị để tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, việc chấp nhận một công việc nhiều rủi ro, bất chấp hậu quả là điều dễ xảy ra, nhiều chị em dễ bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt vào con đường mại dâm.
Để giảm nguy cơ những nữ công nhân bị sa vào tệ nạn mại dâm, buôn bán người, nhóm nghiên cứu khuyến cáo bản thân nữ công nhân rất cần được nâng cao sự hiểu biết xã hội. Họ cần hiểu hơn về các quy định của pháp luật, về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội...
Với kiến thức xã hội thu nhận được, họ sẽ xử lý tốt hơn các vấn đề thường gặp trong cuộc sống, trong công việc. Quan trọng hơn, họ cảm thấy mình thực sự được quan tâm và bớt đi tâm trạng, nỗi buồn nơi đất khách quê người. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các đoàn thể, doanh nghiệp.