Một đại gia Nam Định nhiều năm qua đã tổ chức thu gom hài cốt vô chủ về mai táng. Ông còn treo biển thông báo tiếp nhận tất cả các mộ vô chủ mà người dân phát hiện để quy tập trong hai nghĩa trang mà ông tự bỏ tiền xây dựng.
“Đại gia” này là ông Lâm Văn Tuyến (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh). Nhiều năm qua, ông Tuyến đã âm thầm làm công việc thu gom những ngôi mộ vô chủ về mai táng.
Ông đã bỏ tiền túi để mua đất ruộng xây dựng thành hai khu nghĩa trang khang trang của những ngôi mộ vô chủ, không người thừa nhận.
Với ông, việc ông làm là nghĩa cử trả ơn cuộc đời. |
Đến nay, số lượng các mộ vô chủ có mặt trong nghĩa trang của ông đã lên đến con số hàng ngàn. Ông đã bỏ tiền túi để mua đất ruộng xây dựng thành hai khu nghĩa trang khang trang: nghĩa trang của những ngôi mộ vô chủ, không người thừa nhận.
Bất cứ ai có thông tin về những ngôi mộ vô chủ, ông Tuyến đều không quản ngại đến tận nơi thuê người cải táng, mang hài cốt về. Đến nay, số lượng các mộ vô chủ có mặt trong nghĩa trang của ông đã lên đến con số hàng ngàn.
“Trước, tôi đứng ra xin chính quyền xã Trực Hùng cho chuyển đổi một khu ruộng vài ngàn m2 để dựng nghĩa trang. Thế mà, chẳng mấy năm sau, nghĩa trang này đã được lấp đầy, kín chỗ. Tôi tiếp tục gửi đơn xin chuyển đổi đất ruộng để xây dựng nghĩa trang thứ hai, cũng quy tập những ngôi mộ vô chủ. Rất may, chính quyền xã cũng ủng hộ, giúp tôi đạt ước nguyện” – ông Tuyến tâm sự.
Ông Lâm Văn Tuyến, người hàng chục năm treo biển thông báo nhận mộ mồ côi. |
Không giải thích nhiều về việc làm của mình, ông chỉ nói đơn giản: “Đó là ước nguyện của gia đình tôi, giúp được việc gì cho đời thì tôi làm”.
Ông Tuyến kể, trước, gia đình ông cũng nghèo khổ như bao gia đình nông dân khác của vùng quê Trực Ninh. Quê ông, có nghề đi khơi đi lộng. Người đi biển phải sử dụng rất nhiều dây chão để chằng buộc tàu thuyền, dụng cụ đánh bắt. Giá của loại chão này rất đắt.
Ông quan sát và nảy ra ý tưởng, tự sản xuất chão bán cho bà con bằng cách đi thu gom các bao tải, bao dứa về tái chế lại. Sản phẩm của ông làm ra, giá bán rẻ, chất lượng tốt không kém gì so với dây chão từ vùng khác chuyển đến…
Công việc làm ăn tốt đẹp. Ông vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình.
Khi đến tuổi nghỉ ngơi, ông Tuyến nghỉ hẳn nghề sản xuất chão. Tiền bạc có được từ những năm tháng lao động tích góp, ông trả nghĩa với đời bằng một việc làm khiến nhiều người tò mò, ngạc nhiên: đi thu gom những ngôi mộ vô chủ về xây cất, nhang khói…
Ban đầu, dân làng Tân Lý còn hoài nghi, khó hiểu. Thế nhưng, khi nghĩa trang được xây dựng lên khang trang, sạch đẹp, quy mô,… họ hiểu, việc ông làm trả nghĩa với đời.
Nghĩa trang tiếp nhận những ngôi mộ mồ côi do ông Tuyến xây cất. |
Rồi, việc làm của ông được người dân truyền tai nhau. Hễ gặp ngôi mộ vô chủ ở bất kỳ đâu, người ta cũng về báo tin cho ông biết. Ông lại không quản ngại đến tận nơi, cùng với một đội đào mộ chuyên nghiệp làm công việc mà không phải ai cũng dám làm.
“Tôi sẽ không bao giờ bỏ giữa chừng. Chừng nào còn sống, tôi sẽ còn làm công việc này” – ông Tuyến cho hay.
Tại cổng vào của hai nghĩa trang mà mình bỏ tiền ra xây dựng, ông Tuyến treo tấm biển: “Ai phát hiện có hài cốt Mồ Côi ở ruộng, gồ,… xin báo tin cho ông Tuyến”. Người dân Trực Ninh gọi hai nghĩa trang ở giữa cánh đồng Tân Lý là “Nghĩa trang mồ côi”, hoặc “Nghĩa trang của ông Tuyến”.
Với họ, khi nhắc đến ông là những tình cảm khâm phục và trân trọng.
“Mồ mả, hài cốt… là những việc ai cũng né tránh, không dám đụng chạm tới. Thế nhưng, cả chục năm qua, ông Tuyến đã âm thầm, tận tâm với nó. Không nói đến chuyện tiền của ông ấy bỏ ra, nhưng, việc ông ấy làm, chúng tôi cũng rất cảm phục” – ông Nguyễn Văn Hòa, người dân Trực Hùng nói.