Tỷ phú người Pháp tuyên bố quyên góp hàng trăm triệu USD để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris đến nay vẫn chưa chi một xu nào cho công tác trùng tu di tích nước Pháp. Thay vào đó, chủ yếu là các cá nhân người Mỹ và người Pháp trả các khoản hóa đơn và tiền lương cho 150 công nhân tu sửa nhà thờ từ vụ hỏa hoạn cách đây đúng 2 tháng.
Vụ hỏa hoạn ngày 15/4 đã thiêu rụi phần mái vòm của nhà thờ. Trong tháng này, các "mạnh thường quân" sẽ bàn giao khoản thanh toán đầu tiên trị giá 3,6 triệu euro (4 triệu USD) để xây dựng lại nhà thờ.
"Các nhà tài trợ lớn không trả tiền dù chỉ một xu", đại diện thông tấn của Nhà thờ Đức Bà, ông Andre Finot cho biết. "Họ muốn biết chính xác tiền của họ được sử dụng vào việc gì và nếu họ đồng ý với bản kế hoạch, họ sẽ giao nó".
Quá trình tu sửa Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn đang diễn ra dựa vào tiền của các nhà tài trợ nhỏ và các quỹ từ thiện. Ảnh: AP. |
Gần 1 tỷ USD đã được hứa hẹn bởi một số gia đình và công ty giàu có và quyền lực bậc nhất nước Pháp chỉ trong vài giờ và vài ngày sau vụ hỏa hoạn đến nay vẫn "mất dạng".
Theo AP, tỷ phú Francois Pinault của Artemis, công ty mẹ của Kering - sở hữu Gucci và Saint Laurent, đã hứa rút túi 100 triệu euro (112 triệu USD), trong khi Patrick Pouyanne, CEO công ty năng lượng Total của Pháp, cũng hứa hẹn một con số tương tự.
Bernard Arnault, Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ hàng hiệu" LVMH - công ty sở hữu Louis Vuitton và Dior, đã cam kết chi 200 triệu euro (tương đương 224 triệu USD). Quỹ Bettencourt Schueller của gia đình LedomOréal cũng hứa hẹn tương tự.
Theo ông Finot, không có khoản tiền nào trong số này xuất hiện. Các nhà tài trợ cần theo dõi kế hoạch tái thiết tiến triển như thế nào.
Vụ hỏa hoạn ngày 15/4 đã thiêu rụi phần mái vòm của nhà thờ. Ảnh: AP. |
Trên thực tế, hoạt động tu sửa nhà thờ đã diễn ra suốt nhiều tuần qua và nhà thờ phải nhờ vào các quỹ từ thiện để tài trợ cho giai đoạn tái thiết đầu tiên.
Quỹ "Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris" được thành lập vào năm 2017. Chủ tịch của nó, ông Michel Picaud ước tính rằng 90% số tiền mà họ đã nhận được đến từ các nhà tài trợ Mỹ. Ông cũng vừa trở về sau chuyến đi gây quỹ ở New York.
"Người Mỹ rất hào phóng với Nhà thờ Đức Bà và di tích này được yêu thích ở Mỹ. Sáu trong số 11 thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi là người Mỹ", ông Picaud nói.
Theo ông Picaud, khoản thanh toán đầu tiên cũng bao gồm tiền từ các nhà tài trợ Pháp. Chính quyền Pháp tài trợ cho hoạt động tu sửa lớn nhất.