Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã thông qua chủ trương góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt với vốn điều lệ 680 tỷ đồng. Phát Đạt sẽ góp 68% vốn, tương ứng 462 tỷ đồng vào công ty con này.
Phát Đạt giao Phó chủ tịch HĐQT Trần Thị Hường làm người đại diện quản lý phần vốn góp tại công ty con mới. Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt được giao quyết định các nội dung liên quan việc đầu tư và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; tìm kiếm địa điểm, quỹ đất và lựa chọn đối tác; quyết định nhận chuyển nhượng, giá thuê đất; ký kết các hồ sơ, tài liệu, hợp đồng để thực hiện chủ trương nêu trên.
Động thái thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt được xem như bước đi đầu tiên trong quá trình mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp của đại gia địa ốc TP.HCM.
Phát Đạt là một trong những chủ đầu tư lớn ở TP.HCM với nhiều dự án căn hộ ở vị trí đắc địa như The Everrich Infinity (quận 5), Millennium (quận 4), The Everrich 1 (quận 11). Doanh nghiệp cũng là chủ đầu tư dự án BT Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng.
Một dự án căn hộ cao cấp của Phát Đạt (trái) tại quận 4, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện nay, Phát Đạt đang mở rộng địa bàn kinh doanh bằng việc đầu tư nhiều dự án bên ngoài TP.HCM ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Dương, Kiên Giang.
Trong làn sóng di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang được kỳ vọng như một điểm đến tiềm năng với các nhà đầu tư. Trước viễn cảnh thu hút nhiều dự án FDI trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp được đánh giá là một trong những lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp.
Không riêng Phát Đạt, doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên thị trường là Vinhomes cũng đã lấn sân sang bất động sản công nghiệp với việc thành lập Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes. Gelex, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thiết bị điện, đang tích cực mua cổ phần để chi phối Viglacera, doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn nhất nhì miền Bắc.
Tuy nhiên, thách thức với những tay chơi mới như Phát Đạt và cả những doanh nghiệp kỳ cựu trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam là việc khan hiếm quỹ đất. Các khu công nghiệp hiện tại đều có tỷ lệ lấp đầy cao trong khi nguồn cung mới rất hạn chế, theo nhận định của JLL.