Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, thị trường quan ngại liệu chứng khoán có rớt mạnh như khi VN-Index rơi từ 890 xuống 650 điểm hồi tháng 3. Rốt cục, sau một vài nhịp giảm, về 790 điểm, thị trường vẫn tăng trở lại, phục hồi về vùng 850 điểm.
Dù vậy, trò chuyện với Zing, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, dự báo chứng khoán trong nước thời gian tới sẽ thiên về xu hướng tiêu cực nhiều hơn nếu dòng tiền lớn không trở lại với thị trường.
Nhà đầu tư lớn rút tiền
- Diễn biến trên thị trường chứng khoán khi dịch Covid-19 quay trở lại lần này khác gì so với lần trước khi VN-Index rơi xuống 650 điểm hồi tháng 3?
- Cần phải lưu ý dịch Covid-19 xuất hiện làm chứng khoán giảm sâu trong quý I nhưng khi bắt đầu cách ly xã hội từ đầu tháng 4, thị trường tăng rất mạnh đến nửa cuối tháng 6.
Thời gian đó xuất hiện làn sóng nhà đầu tư cá nhân mới "thế hệ F0" mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Có ý kiến nói rằng do cách ly xã hội nên nhiều người tìm kênh đầu tư để kiếm tiền. Do đó, có những nhà đầu tư cho rằng biết đâu Covid-19 lại là cơ hội dể chứng khoán tiếp tục đi lên.
Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Tại Mỹ, chứng khoán cũng liên tục lập đỉnh lịch sử. Không riêng Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang bơm tiền. Khi tiền được đẩy ra như vậy, các tài sản như chứng khoán, vàng có cơ hội tăng giá.
- Ngoài làn sóng “nhà đầu tư F0” ồ ạt tham gia thị trường, đâu là những yếu tố đáng chú ý tác động lên chứng khoán Việt Nam từ đầu năm?
- Quý II vừa qua chứng kiến thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất trong suốt 20 năm lịch sử chứng khoán Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố giúp VN-Index giai đoạn vừa rồi tăng vọt. Dòng tiền mạnh nhất trong 2 thập kỷ chứng tỏ chứng khoán được quan tâm rất lớn.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sau nửa năm vẫn là số dương. Đây là con số tích cực khi nhiều nước đang tăng trưởng âm. Những nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn Việt Nam với con mắt khá tích cực. Đây là những thông tin tốt với thị trường.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin tiêu cực như số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết gần 31 triệu người bị ảnh hưởng việc làm bởi dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng, số lượng doanh nghiệp phá sản tăng, tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, thua lỗ cũng tăng lên.
- Thị trường chứng khoán sắp tới sẽ rất khó lường?
- Dịch Covid-19 khiến thị trường chứng khoán rất khó đoán. Trong quý I, thị trường rớt mạnh nhưng sau đó bất ngờ tăng mạnh.
Dòng tiền của những nhà đầu tư lớn vẫn rút khỏi thị trường trong khi tiền của nhà đầu tư nhỏ yếu dần. Nếu tình huống này không đổi, thị trường sắp tới sẽ theo hướng tiêu cực nhiều hơn, đi ngang và giảm.
Chứng khoán tăng nhưng nền kinh tế đang đi xuống. Nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nền kinh tế và chứng khoán về mặt nguyên tắc đi chung nhưng bây giờ đang ngược chiều nhau. Điều này rất nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ tạo ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Từ đầu năm, chủ yếu nhà đầu tư cá nhân mua nhiều còn các nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại ưu tiên bán hơn. Nhóm nhỏ nhất gần như là động lực chính còn các nhà đầu tư lớn lại đứng ngoài. Khi lực mua lớn hơn lực bán, chứng khoán sẽ lên.
Nhưng bối cảnh hiện tại đã khác. Khi chứng khoán tăng, mặt bằng giá ngày càng cao hơn. Cuối tháng 3, VN-Index 650 điểm nhưng giờ đã 850. Khi mặt bằng giá cao hơn, dòng tiền mua cũng phải nhiều hơn mới đẩy giá chứng khoán tiếp tục lên.
Diễn biến của VN-Index từ đầu năm đến nay. Ảnh: VNDS. |
Xu hướng hiện tại thì dòng tiền của những nhà đầu tư lớn vẫn rút khỏi thị trường trong khi tiền của nhà đầu tư nhỏ yếu dần. Nếu tình huống này không đổi, dòng tiền không đổ vào mạnh mẽ thì dự báo cá nhân của tôi là thị trường sắp tới sẽ theo hướng tiêu cực nhiều hơn, đi ngang và giảm.
Trong khi đó, dịch bệnh vẫn rất khó lường. Chưa thể biết chắc bao giờ đợt dịch hiện tại kết thúc. Và sau đó liệu có khả năng dịch quay lại lần 3? Đặc biệt nếu dịch kết thúc, việc giải quyết hậu quả để lại, các doanh nghiệp phục hồi trở lại cũng cần thời gian dài trong bối cảnh còn nhiều vấn đề khác như thương chiến tác động tới tình hình kinh tế trong nước.
Sợi dây bị kéo hai đầu, căng quá sẽ đứt
- Chứng khoán được xem như hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng hai bên đang nghịch chiều. Diễn biến này liệu có kéo dài?
- Xu hướng chứng khoán và nền kinh tế đi ngược nhau có thể tiếp tục nhưng chỉ trong ngắn hạn và trung hạn. Tại sao chứng khoán đi lên khi kinh tế đi xuống? Mấu chốt ở đây là tiền đổ vào chứng khoán và thị trường tài chính.
Lấy ví dụ ở Mỹ khi cơ quan thuế vụ chuyển cho người dân 1.200 USD, con số thống kê cho thấy những tài khoản chứng khoán mở mới với số dư 1.200 USD rất nhiều. Đương nhiên, chưa thể biết chắc 2 dữ kiện này có liên quan hay không.
Dòng tiền đổ vào chứng khoán mang tính đầu cơ nhiều hơn vì tâm lý vào nhanh, ăn nhanh, ra cũng nhanh.
Tại một số thị trường, có những công ty môi giới hoặc quỹ đầu tư nhận thêm vốn góp từ nhà đầu tư mới với số lượng tăng tới 3.000% trong thời gian ngắn và chủ yếu là các nhà đầu tư trẻ, ít kinh nghiệm. Do đó, dòng tiền đổ vào chứng khoán mang tính đầu cơ nhiều hơn vì tâm lý vào nhanh, ăn nhanh, ra cũng nhanh.
Vấn đề của nhiều chính phủ trên thế giới là họ phải kiểm soát việc bơm tiền. Việc dòng tiền bơm ra dùng để đầu cơ chưa được kiểm soát khi các chính phủ đang tập trung kiềm chế dịch bệnh.
Về dài hạn, thị trường chứng khoán không thể đi lên mãi nếu kinh tế đi xuống. Khi tiền vẫn đổ vào thị trường, xu hướng tăng có thể tiếp diễn thêm một thời gian nữa. Nhưng nếu nền kinh tế không phục hồi hoặc phục hồi chậm sẽ rủi ro. Chứng khoán đi lên khi kinh tế đi xuống giống như một sợi dây bị kéo căng hai đầu, căng quá sẽ đứt.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư Phan Dũng Khánh của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
- Ông nhắc đến việc ở nhiều nước, các ngân hàng trung ương bơm tiền nhưng dòng tiền chưa chảy vào đúng chỗ. Nguy cơ này liệu có xảy ra tại Việt Nam?
- Việt Nam đang làm tốt hơn khá nhiều nước. Chúng ta chưa thật sự bơm tiền ra thị trường mà đang tập trung giãn nợ, khoanh nợ. Có nhiều gói vay hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nhưng chưa giải ngân được nhiều.
Việt Nam chưa gặp phải tình huống trên nhưng phải cẩn thận vì vẫn có nguy cơ. Khi chúng ta khống chế được dịch bệnh, tiền sẽ bắt đầu được bơm nhiều hơn và sẽ có những đối tượng lợi dụng chính sách. Do đó, các cơ quan quản lý phải biết được tiền bơm ra đi đâu và hiệu quả sử dụng ra sao.
Cần có những chính sách ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực thiết yếu, ăn sâu vào nền kinh tế và hạn chế với những ngành nghề có khả năng đầu cơ lớn để tránh tiền chảy vào sản phẩm đầu cơ.
Khi kinh tế tăng trưởng, thị trường chứng khoán tự khắc sẽ tăng trưởng bền vững. Mối quan hệ giữa hai bên như thuyền và biển. Nền kinh tế là nước, nếu nước dâng thì thị trường chứng khoán là thuyền không cần cố gắng quá nhiều cũng sẽ lên.
- Nhiều nước đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ là một cơ hội để Việt Nam có thể thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) bên cạnh vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Việt Nam cần làm gì để thu hút FII mà chứng khoán là một kênh quan trọng?
- FDI được nhắc đến nhiều nhưng FII chưa được chú ý đến. FII cũng là một nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Nếu chúng ta tận dụng tốt được dòng vốn FII song song với FDI sẽ tạo ra cú hích rất lớn.
Nhưng trên thị trường, những doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí về quy mô, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không quá nhiều, nếu có, họ lại hết “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là vướng mắc. Chúng ta phải có cơ chế và sản phẩm mới thu hút được FII.
Từ đầu năm đến nay, khối ngoại chỉ chăm chăm bán ròng trên thị trường chứng khoán nhưng chỉ cần một vài thương vụ mua cổ phần lớn, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chuyển thành mua ròng.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.