Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia bia rượu miền Bắc đứng dậy sau cú sốc thua lỗ

Vượt qua mức lỗ lịch sử trong 3 tháng đầu năm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động từ Nghị định 100, Habeco bất ngờ ghi nhận lợi nhuận cao nhất gần 3 năm qua trong quý II.

Quý I năm nay, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ghi nhận kỷ lục không mong muốn khi lỗ ròng gần 100 tỷ đồng, mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động. Nhưng bước sang quý II, Habeco hồi phục nhanh chóng khi lợi nhuận thậm chí tăng trưởng so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần quý II của Habeco là 2.120 tỷ đồng, giảm 13% so với quý II/2019. Lợi nhuận gộp trong kỳ của đại gia bia rượu miền Bắc đạt 568 tỷ đồng với tỷ suất lãi gộp 27%, không chênh lệch đáng kể so với cùng kỳ.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của Habeco giảm còn 29 tỷ so với con số 43 tỷ của quý II năm ngoái khi lãi suất tiền gửi bị điều chỉnh về mức thấp. Hiện Habeco có 1.600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng tại ngân hàng.

Tuy nhiên, ông lớn ngành bia vượt khó nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động. Tổng chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm 23% còn 333 tỷ đồng. Khoản ngân sách lớn nhất dành cho hoạt động bán hàng bị cắt giảm hơn 30%. Đặc biệt, các chi phí nguyên vật liệu, dụng cụ; quảng cáo, khuyến mãi; bốc xếp, vận chuyển bị tiết giảm trên dưới 50%.

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý II của Habeco chỉ giảm 4%, đạt 271 tỷ đồng. Với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ, lợi nhuận ròng của công ty còn tăng nhẹ 2% lên 246 tỷ đồng. Đây thậm chí là mức lãi cao nhất trong một quý của Habeco trong gần 3 năm qua tính từ quý IV/2017.

Kết quả trên tích cực trong bối cảnh ngành bia gặp khó khăn vì dịch Covid-19 và tác động của Nghị định 100 với mức xử phạt nặng hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống.

Habeco đạt lợi nhuận cao sau quý I lỗ
Lợi nhuận hợp nhất hàng quý của Habeco
NhãnI/2019IIIIIIVI/2020II
Lợi nhuận sau thuế tỷ đồng 6424117067-98246

Trong quý II, “doanh nghiệp anh em” trước đây của Habeco là Sabeco sụt giảm hơn 20% doanh thu, lợi nhuận. Sabeco hiện là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam (hơn 40%) còn Habeco đứng thứ ba (18%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Habeco đạt 2.890 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế của đại gia bia rượu miền Bắc sau 2 quý là 147 tỷ, sụt giảm 51%. So với kế hoạch kinh doanh 2020, Habeco đã hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu và 59% lợi nhuận cả năm.

Kết quả lợi nhuận thực tế của Habeco cao hơn nhiều mức ước tính 100 tỷ được ban lãnh đạo chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6. Theo Chủ tịch HĐQT Habeco Trần Đình Thanh, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, điều kiện khách quan thuận lợi, tình hình sản xuất kinh doanh của Habeco trong 6 tháng cuối năm sẽ duy trì tốt.

Tuy nhiên, Habeco nói riêng và các doanh nghiệp bia rượu nói chung tiếp tục đối mặt thử thách khi dịch Covid-19 quay trở lại, bùng phát tại Đà Nẵng khiến thành phố này phải cách ly xã hội. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã yêu cầu một số loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, quán bar, karaoke tạm dừng hoạt động; hạn chế các sự kiện tập trung đông người chưa cần thiết.

Chủ tịch Habeco đánh giá dịch Covid-19 chỉ tác động ngắn hạn lên thị trường tiêu thụ bia. Về lâu dài, Nghị định 100 sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. “Chưa thể đoán trước được tình hình kinh doanh của Habeco có thể phục hồi về mức trước dịch và trước Nghị định 100 được không”, ông Thanh nói với cổ đông tại đại hội thường niên.

Sabeco mạnh tay chi tiền quảng cáo dù doanh số thấp nhất 5 năm

Kết quả kinh doanh rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2015 nhưng Sabeco vẫn đầu tư thêm ngân sách cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ với mức bình quân hơn 4 tỷ đồng/ngày.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm