Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đại gia' dầu khí xin tiếp sức

Ngày 16/1, tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), hầu hết doanh nghiệp dầu khí đều đồng loạt kêu khó và đòi “tiếp sức”.

Ông Hoàng Ngọc Đang, Chủ tịch Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), cho biết đang có kế hoạch cắt, giảm, giãn hợp đồng dịch vụ với các doanh nghiệp cung ứng, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đàm phán lại hợp đồng đã ký theo hướng giảm giá dịch vụ. “Giá dầu vẫn giảm, chúng tôi cần được tiếp sức để tồn tại. PVEP không còn là đại gia tài chính như những năm trước nữa”, ông Đang nói.

Phòng điều hành một giàn khoan khai thác dầu khí của PVN trên biển Đông.
Phòng điều hành một giàn khoan khai thác dầu khí của PVN trên biển Đông.

Theo ông Nguyễn Hoài Giang, chủ tịch công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất), do phải nhập dầu thô về chế biến, nhưng khi chế biến xong giá dầu lại giảm nên doanh nghiệp bị lỗ nặng. Chẳng hạn trong tháng 11/2014, do giá dầu thô giảm 8,5 USD/thùng, doanh nghiệp này lỗ tới 237 tỷ đồng. Đến tháng 12/2014 Bình Sơn ước lỗ thêm tới 476 tỷ đồng.

Sẽ xây kho dự trữ 1 triệu tấn dầu

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch PVN, cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, PVN đã quyết định xây dựng kho có thể dự trữ 1 triệu tấn dầu, dự kiến đặt kho này sát Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, PVN cũng đã đề nghị Thủ tướng cho dự trữ đầy các kho đang có cả dầu thô và dầu thành phẩm, tránh rơi vào cảnh thua lỗ khi giá dầu xuống và mất cơ hội khi giá dầu tăng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, tổng giám đốc PVN, cho biết trong năm 2014, giá dầu trung bình bán được của tập đoàn này là 103 USD/thùng, chỉ giảm 9,3 USD/thùng (do giá dầu giảm vào cuối năm, đầu năm vẫn cao - PV).

Tuy nhiên, giá dầu giảm từ tháng 10/2014 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm nguồn thu của PVN những tháng cuối năm 2014 và ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch 2015.

Trong năm 2014, PVN nộp ngân sách 178.000 tỷ đồng, nhưng theo tính toán của ông Khánh, nếu giá dầu thế giới ở mức 60 USD/thùng, số nộp ngân sách của PVN chỉ còn 93.100 tỷ đồng. Nếu giá dầu ở mức 40 USD/thùng, số nộp ngân sách chỉ khoảng 79.800 tỷ đồng, xấp xỉ con số lẻ của năm 2014.

Trong năm 2015, để ứng phó hiệu quả với xu hướng giá dầu giảm, ông Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch PVN, đề nghị toàn ngành dầu khí rà soát, cắt giảm tất cả chi phí thuê ngoài, tiết giảm 20-30% chi phí biến đổi thường xuyên, nâng cao quản trị rủi ro. Ngoài ra, các đơn vị thăm dò khai thác phải rà soát để có quyết sách tiếp tục hay dừng khai thác các giếng dầu có giá thành cao, chuẩn bị các mỏ đưa vào khai thác khi giá dầu tăng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu PVN phải có giải pháp cấp bách do giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp trong hai năm tới. Theo ông Hải, giá dầu giảm là thách thức lớn, nhưng không thể giãn hoặc hoãn được hoạt động thăm dò và khai thác, phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150117/dai-gia-dau-khi-xin-tiep-suc/699858.html

Theo Cẩm Văn Kình/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm