Cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành nói rằng nếu có điều kiện tốt thì ông sẵn sàng trở lại ngành ngân hàng. Đây là lần đầu tiên ông Thành lên tiếng về việc quay trở lại ngành ngân hàng sau thời gian vắng mặt.
Xét cho cùng ngân hàng chỉ là con nợ của dân
Theo ông, ngân hàng là lĩnh vực có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, giữ vai trò là trung gian tiền tệ và xét cho cùng cũng là "con nợ của dân". Việc quản trị ngân hàng thực tế không dễ và các ngân hàng cũng phải ý thức được việc này. Nhưng dù như thế nào thì ông cho biết vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng trở lại với lĩnh vực này.
"Với trách nhiệm của công dân và máu nghề nghiệp, khả năng trở lại của tôi là rất lớn. Nếu có điều kiện tôi sẵn sàng trở lại. Và tôi cũng động viên một số anh em trở lại’, ông cho biết.
Trao đổi với Zing.vn bên lề Diễn đàn kinh doanh 2016, ông Thành còn tiết lộ điều ông mong đợi là một chương trình nào đó mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng lên, để tái cấu trúc lại ngành ngân hàng. Bởi thị trường vốn của Việt Nam trong 10 năm qua vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt là việc phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng chưa hết tiềm năng.
Từ khi rời bỏ đứa con tinh thần Sacombank năm 2012, đại gia Đặng Văn Thành được nhắc đến như một doanh nhân "ở ẩn" nuôi bò, trồng mía và đi dạy. Tuy nhiên chỉ 4 năm sau, tên tuổi của Thành Thành Công với những thương vụ mua bán, sáp nhập đã chứng minh máu kinh doanh trong ông chưa khi nào bớt sôi sục.
Hiện, đây là một tập đoàn đa ngành, dựa trên 5 chân trụ chính là mía đường - năng lượng - bất động sản - du lịch và giáo dục.
Lần đầu tuyên bố về chuyện quay lại với ngân hàng, ông Đặng Văn Thành cho rằng không chỉ mình ông mà sẽ vận động thêm bạn bè, những người tâm huyết cùng trở lại gánh vác trọng trách với lĩnh vực này. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư. |
Trong đó, riêng lĩnh vực năng lượng đã giúp ông Thành mang doanh thu về cho cổ đông khoảng 100 tỷ đồng/năm thông qua trung tâm nhiệt điện đặt tại các nhà máy đường và 14 nhà máy thủy điện tại Gia Lai. Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp vẫn còn nhiều tham vọng trong lĩnh vực năng lượng, qua các dự án điện gió và điện mặt trời.
Được biết, tập đoàn này đã mời một số đối tác từ Singapore đến khảo sát và lên phương án xây dựng nhà máy điện gió công suất khoảng 200 MW tại Bến Tre.
Sẽ đưa giá thành đường Việt ngang bằng Thái Lan
Riêng lĩnh vực chiếm đến 60% doanh thu là mía đường cũng đang mang lại không ít trái ngọt. Theo công bố, hiện tập đoàn này đang nắm giữ khoảng 30% thị phần tiêu thụ đường trong nước, với 8 nhà máy.
Doanh nhân Đặng Văn Thành chia sẻ với ông, thách thức là điều thú vị. Nền kinh tế không có thách thức, không cạnh tranh thì không tiến bộ được. Và đã là doanh nghiệp thì phải chấp nhận thách thức.
"Tôi luôn trong tâm thế chấp nhận và lúc nào cũng đặt mục tiêu chinh phục các thách thức. Nhưng làm gì thì mình cũng phải chuẩn bị tốt cái gốc, đó là quản trị, chuẩn bị tốt thì dù phong ba bão táp nào cũng không lo", doanh nhân Đặng Văn Thành.
Trả lời báo chí gần đây, ông Đặng Văn Thành mạnh dạn tuyên bố sẽ đưa giá thành sản xuất đường xuống bằng giá thành đường Thái Lan vào năm 2018.
Theo nhà nông học Võ Tòng Xuân, giá thành sản xuất đường tại Việt Nam vào khoảng 50 USD/tấn, tương đương khoảng 11.000 đồng/kg. Trong khi, giá thành sản xuất đường tại Thái Lan chỉ vào khoảng 30 USD/tấn, tức 8.000 đồng/kg.
Nếu giảm được 3.000 đồng chi phí trên mỗi kg đường sản xuất ra, tập đoàn mía đường này không những là đối thủ cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, mà còn là nỗi lo ngại với cường quốc sản xuất đường trong khu vực là Thái Lan. Bởi quốc gia này, thông qua đường biên giới, mỗi năm đang thẩm lậu khoảng nửa triệu tấn đường vào Việt Nam.
Gần đây, có một số thông tin rò rỉ rằng, ông Thành đang đàm phán mua lại mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai. Không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin này, nhưng ông chủ Thành Thành Công cho biết chậm nhất là quý II/2017, tập đoàn này sẽ thành lập nên một công ty đường có quy mô cực kỳ lớn, đủ khả năng đại diện cho cả ngành đường Việt Nam thông qua việc hợp nhất các công ty trong ngành.
Gần đây nhất, đại hội cổ đông của Tổng công ty Tín Nghĩa (Tinnghiacorp) còn tiết lộ thêm thông tin, tập đoàn của đại gia Đặng Văn Thành đã chi gần 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 35% vốn (tương đương 54,5 triệu cổ phiếu) Tín Nghĩa. Cú bắt tay này, được cho là một bước chuẩn bị cho việc lấn sang lĩnh vực trồng và chế biến cà phê.
Hiện Tín Nghĩa có 700 ha cà phê Arabica chất lượng cao tại Lào. Kế hoạch chung của tập đoàn này là sẽ xây dựng vùng nguyên liệu cà phê rộng đến 3.000 ha tại Lào và phát triển nhà máy chế biến tại đây.
Ông Đặng Văn Thành từng được tôn vinh là đại gia ngân hàng. Tên tuổi của ông gắn liền với Sacombank, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất. Sau cú sốc rời khởi Sacombank năm 2012, ông quay lại cùng vợ con điều hành mảng kinh doanh cốt lõi của gia đình là mía đường và không còn nhắc đến lĩnh vực làm nên tên tuổi của mình.