Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Đặng Văn Thành hồi lực: Những vụ thâu tóm mới

Sóng gió đã qua đi gần 4 năm, ông trùm ngành tài chính một thời Đặng Văn Thành đã gắn bó nhiều hơn với con bò ngọn cỏ.

Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy, ông Thành đang trở lại thương trường với nhiều kế hoạch đầy tham vọng.

Hết thời “ở ẩn”

Trong vài tháng gần đây, giới đầu tư xôn xao với những bước đi của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) thuộc sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành - một “đại gia” từng rất nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

4 năm hậu "biến cố Sacombank", người ta lại thấy bóng dáng của đại gia này xuất hiện dồn dập trở lại trên thương trường, chứ không còn kín tiếng, ở ẩn, an nhàn nuôi bò, trồng chè, dạy học qua những buổi nói chuyện với sinh viên.

Theo thông tin từ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Tổng công ty Tín Nghĩa (TinNghiaCorp) cho thấy, Tập đoàn TTC của gia đình ông Đặng Văn Thành đã chi gần 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược, sở hữu 35% vốn (tương đương 54,5 triệu cổ phiếu) Tín Nghĩa.

dai gia Dang Van Thanh va nhung vu thau tom moi anh 1

Cú vấp ngã tại Sacombank khiến ông Đặng Văn Thành mất danh hiệu "ông trùm ngân hàng"

TTC của ông Thành đã có hơn 20 đơn vị thành viên, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: bất động sản (BĐS), năng lượng, giáo dục, du lịch và nông nghiệp. Các NĐT vẫn không thấy trong các lĩnh vực hoạt động chính của ông Thành có ngành tài chính ngân hàng, và chính ông Thành cũng đã cho biết ông chưa có kế hoạch để trở lại với lĩnh vực từng làm nên danh tiếng của ông.

Tuy nhiên, sự trở lại với thương trường lần này của ông Thành có lẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết và nó gắn với hàng loạt các thương vụ liên quan tới tài chính, tới mở rộng và sâu hơn các ngành nghề.

Cú đổ vốn vào Tín Nghĩa là một tín hiệu cho thấy khát vọng kinh doanh, tham vọng “ông trùm” của ông Thành chưa dừng lại. Tín Nghĩa được biết đến là một DN chuyên về BĐS, BĐS công nghiệp, du lịch, nông sản, giáo dục và logistics…

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Thành quay lại với DN tinh thần đầu tiên của vợ chồng, TTC giờ đây không còn thuần túy hoạt động với mía đường mà là một tập đoàn đa ngành, sở hữu hàng loạt các DN đang niêm yết trên sàn như: Sacomreal (SCR), VNG, Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) … Gần đây, ngày 6/6 vừa qua, một KCN thuộc Tập đoàn Tín Nghĩa cũng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn với mã TIP.

Đáng chú ý, trong vòng hơn 1 tháng qua, các DN thành viên TTC của nhà ông Thành đã huy động 1.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu không chuyển đổi cho các NH TPBank, VIB, OCB để tổ chức lại ngành mía đường mà TTC được cho là đang nắm khoảng 30% thị phần nội địa.

Sacomreal sau khi tái cấu trúc đã là một DN trụ cột của TTC, phát triển một loạt các dự án BĐS tại Đồng Nai và các khu vực lân cận TP HCM.

Hình dung về một 'ông trùm mới'

Sau cú ngã, bị hất khỏi vị thế ông trùm ngân hàng, ông Thành đã dồn lực sang lĩnh vực nông nghiệp. Mía đường là quan tâm số 1. Bên cạnh đó là cà phê.

Với cú bắt tay với Tín Nghĩa, tham vọng tấn công lĩnh vực trồng, chế biến cà phê trong khu vực Đông Dương là khá rõ. Hiện, Tín Nghĩa có 700 ha cà phê chất lượng cao Arabica tại Lào. DN này có kế hoạch trồng 3.000 ha cà phê và xây dựng nhà máy chế biến tại Lào.

Hàng loạt các vụ thâu tóm gần đây cho thấy, TTC đang xây dựng một thế lực trong lĩnh vực BĐS công nghiệp trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể đổ mạnh hơn vào Việt Nam nhờ các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Tín Nghĩa cùng với Sonadezi hiện quản lý hầu hết các KCN lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, như Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6D, Tam Phước, Bàu Xéo, Tân Phú…

Phát triển khu đô thị cũng là điều mà cả TTC và Tín Nghĩa đang hướng tới như: KĐT Đông Sài Gòn hơn 940 ha (Nhơn Trạch, Đồng Nai) với tổng đầu tư 6 tỷ USD, Bàu Trúc Resort (Ninh Thuận), Cù lao Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai)…

Bên cạnh đó còn là du lịch. Gần đây, giới đầu tư giật mình với một thế lực đang nổi lên trong lĩnh vực này, có thể sẽ lớn nhanh ngang hàng với nhiều ông lớn có lịch sử hoạt động lâu dài trong lĩnh vực du lịch.

Một loạt các công ty du lịch, khách sạn đã được quy về một mối là Thành Thành Công. Cú mua lại Vinagolf (VNG) 2 năm trước đây đã biến một DN kinh doanh khách sạn nhỏ bé làm ăn không hiệu quả trên sàn chứng khoán trở thành một mã chứng khoán nổi bật, với một cái tên mới CTCP Du lịch Thành Thành Công - TTC Tourist.

Trong cả chục phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VNG đều tăng mạnh, trong đó, 7 phiên liên tiếp gần nhất VNG đều tăng giá kịch trần (+7% mỗi phiên) và hiện đã lên 19.300 đồng/cp.

Theo kế hoạch, TTC Tourist sẽ hút tiền từ TTCK, tăng vốn gấp 6 lần, từ 130 tỷ lên 780 tỷ đồng. Tiền thu về sẽ đầu tư vào 4 DN du Lịch: TTC Lâm Đồng, Du Lịch Thắng Lợi, Thành Bình, Bến Tre với tỷ lệ chi phối. Đây đều là những DN nắm giữ nhiều nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi ở những trọng điểm du lịch như: TP HCM, Nha Trang, Lâm Đồng, Bến Tre…

Với những diễn biến gần đây của các DN thành viên TTC có thể thấy, ngoài vị trí thống trị ngành mía đường, trong thời gian tới có thể thấy một ông lớn mới trong lĩnh vực du lịch. Dường như, đại gia Đặng Văn Thành đang hồi lực sau cú sốc ở Sacombank để tìm lại vị thế của mình.

 


http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/309363/dai-gia-dang-van-thanh-hoi-luc-nhung-vu-thau-tom-moi.html

Theo V.Hà/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm