Các nhà khoa học cảnh báo những vùng chết trong tình trạng hoàn toàn không có oxy tăng gấp 4 lần từ năm 1950, trong khi số lượng những vùng với lượng oxy rất thấp gần bờ biển tăng gấp 10 lần. Hầu hết sinh vật biển không thể sống sót trong các khu vực này và xu thế hiện tại sẽ dẫn đến tuyệt chủng hàng loạt, mang lại hậu quả nghiêm trọng tới hàng trăm triệu người sống dựa vào biển.
Biển Temuco, Chile phủ đầy xác cá mồi chết, một hậu quả của việc tảo sinh sôi hút oxy khỏi nước. Ảnh: AP. |
Nỗ lực ngăn chặn lại như "muối bỏ bể"
Theo Guardian, biến đổi khí hậu gây ra bởi đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân của tình trạng khan hiếm oxy trên diện rộng, do các vùng nước ấm có ít oxy hơn. Những khu vực chết vùng bờ biển là kết quả của phân bón và nước thải từ lục địa.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các sự kiện tuyệt chủng lớn trong lịch sử Trái Đất đều có sự xuất hiện của khí hậu ấm và đại dương thiếu oxy.
“Với quỹ đạo hiện tại thì sự tuyệt chủng là nơi con người đang đi đến”, bà Denise Breitburg, thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Smithsonian tại Mỹ, đánh giá.
“Đây là một vấn đề có thể giải quyết”, bà Breitburg nói thêm, “ngăn chặn biến đổi khí hậu cần đến sự nỗ lực toàn cầu, nhưng ngay cả các hành động địa phương cũng có thể giúp cải thiện tình trạng oxy dinh dưỡng giảm dần".
Bà Breitburg đề cao những phục hồi tại Vịnh Chesapeake ở Mỹ và sông Thames ở Anh, nơi cách nuôi trồng và xử lý nước thải được cải tiến và khiến các vùng chết biến mất.
Tuy vậy, Giáo sư Robert Diaz, Viện Khoa học Hàng hải Virginia, cho biết hiện tại, sự mở rộng gia tăng của vùng chết và sự suy giảm của lượng oxy trong đại dương không phải là vấn đề ưu tiên đối với các chính phủ trên thế giới. Sự nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm oxy sẽ chỉ được nhận biết khi nghề đánh cá chết dần.
Tác động lớn đến con người
Đại dương là nguồn sống của 500 triệu người, đặc biệt là ở những quốc gia nghèo, và tạo việc làm cho 350 triệu người. Nhưng ít nhất 500 vùng chết đã được ghi nhận gần các bờ biển, cao hơn nhiều so với con số 50 từ năm 1950. Thiếu sự giám sát tại các khu vực nghĩa là con số này có thể cao hơn nhiều báo cáo.
Nhưng những khu vực chết đã lan rộng với diện tích choáng ngợp, xấp xỉ bằng khu vực Liên minh châu Âu (EU). Hơn nữa, mức độ oxy ở tất cả các đại dương đang giảm 2% so với năm 1950, tương đương 77 tỉ tấn.
Sơ đồ vùng chết ở biển. |
Các nhà khoa học cảnh báo hiện trạng này có thể làm suy giảm sự phát triển, ảnh hưởng đến sự sinh sôi và làm tăng các loại bệnh dịch. Một điều trớ trêu là các vùng nước ấm không chỉ có ít oxy hơn mà các sinh vật biển ở đây cũng hô hấp nhanh hơn, tức là dùng hết oxy nhanh hơn.
Các vi khuẩn sinh sôi ở mức oxy rất thấp sản sinh ra lượng lớn nitrous oxide, một loại khí nhà kính mạnh hơn carbon dioxide 300 lần.
Tại các vùng duyên hải, phân bón và ô nhiễm nước thải có thể gây ra sự sinh sôi của tảo. Khi tảo phân hủy, khi oxy bị hút khỏi nước. Ở một số nơi, tảo có thể là thức ăn cho cá và tăng lượng đánh bắt ở quanh khu vực chết, nhưng cách này không bền vững.
Guardian dẫn lời bà Breitburg cho hay “có rất nhiều quan ngại rằng chúng ta đang thay đổi cách thức hoạt động của hệ sinh thái biển và khả năng phục hồi của các hệ thống có thể bị suy giảm”.
Phân bón trong nước thải tại vùng Vịnh Mexico làm vùng chết lan rộng. Ảnh: AP. |
"Báo động đỏ" cho nhân loại
Lucia von Reusner, người điều hành chiến dịch vận động Mighty Earth, gần đây đã tiết lộ mối liên hệ giữa vùng đại dương chết ở Vịnh Mexico và sự sản xuất thịt trên quy mô lớn.
“Những khu vực chết này sẽ tiếp tục mở rộng trừ khi các công ty thịt lớn chiếm ưu thế trong hệ thống nông nghiệp toàn cầu bắt đầu dọn dẹp chuỗi cung ứng của họ để giữ cho vùng biển của chúng ta không bị ô nhiễm".
Ông Diaz kinh ngạc trước tốc độ ngạt thở của đại dương, “không có biến thể nào với tầm quan trọng như vậy đối với hệ sinh thái ven biển lại thay đổi mạnh mẽ trong một thời gian ngắn bởi hoạt động của con người như oxy hòa tan”.
Ông ví sự cần thiết hành động khẩn cấp giống như phương châm của Hiệp hội Phổi Mỹ, "nếu bạn ngưng thở thì chẳng còn điều gì khác quan trọng cả".