Khe nứt khổng lồ trong sa mạc Afar hình thành trong vòng vài ngày. Ảnh: Đại học Rochester |
Vào năm 2005, một khe nứt có chiều dài 56 km xuất hiện trong sa mạc Afar thuộc Ethiopia trong vài ngày. Sau đó nhiều nhà khoa học nhận định khe nứt khổng lồ, với chiều rộng ở một số vị trí lên tới 6 m, là dấu hiệu bắt đầu cho quá trình hình thành của một đại dương mới. Nhưng một bộ phận giới nghiên cứu phản đối giả thuyết này.
Để chấm dứt tranh cãi, giáo sư Cindy Ebinger, một chuyên gia về trái đất và khoa học môi trường của Đại học Rochester tại Mỹ, cùng các cộng sự quyết định nghiên cứu khe nứt, International Business Times đưa tin. Quá trình nghiên cứu của họ bắt đầu từ năm 2009.
Nghiên cứu của nhóm Ebinger đã xuất hiện trên tạp chí chuyên ngành Geophysical Research Letters. Nhóm chuyên gia nhận thấy quá trình hình thành và phát triển của khe nứt trong sa mạc Afar giống hệt hoạt động địa chất ở đáy các đại dương, và cũng giống hệt hiện tượng đang khiến Biển Đỏ mở rộng.
"Chúng ta đều biết các gờ dưới đáy biển hình thành do đá nóng chảy tràn vào các khe nứt. Nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy một gờ có chiều dài kỷ lục nứt rộng như thế này", Ebinger nhận xét.
Dựa vào dữ liệu địa chất từ năm 2005, Ebinger và các đồng nghiệp nhận thấy khe nứt trong sa mạc Afar có thể là dấu hiệu khởi đầu cho sự hình thành một đại dương mới.
Các mảng kiến tạo châu Phi gặp các mảng kiến tạo Arab ở sa mạc Afar. Hiện nay chúng đang tách khởi nhau với tốc độ 2,54 cm mỗi năm trong 30 triệu năm qua. Biển Đỏ ra đời nhờ sự chia tách của chúng. Nhóm nghiên cứu tin rằng, khi khe nứt đủ lớn, Biển Đỏ sẽ tràn vào khu vực mới, tạo nên một đại dương trong Vịnh Aden.
Tuy nhiên, đại dương mới sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Theo các nhà nghiên cứu, quá trình hình thành của đại dương mới có thể diễn ra trong một triệu năm.