Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng nặng các hình thức xử phạt, cưỡng chế nghiêm khắc bằng việc nghiên cứu phạt tù đối với tài xế có nồng độ cồn vượt trên 80 mg/dl. Quan điểm của ông Nam được nêu tại Hội nghị tổng kết kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sáng 8/5.
Ông Nam cho biết, theo thống kê về đồ uống có cồn của WHO, mỗi năm khu vực châu Á có 1,2-1,3 triệu người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Dự báo, con số tử vong ở năm 2020 khoảng 1,9 triệu, gần 100 triệu người khác bị thương do tai nạn trên toàn châu lục.
“Tại Việt Nam 36,2% số vụ tai nạn có liên quan đến rượu bia. Đây là con số đáng báo động”, ông Nam nói.
Qua khảo sát của Ủy ban ATGTQG, 66% người dân phản đối kiến nghị phạt tù tài xế uống rượu bia. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Trong khi đó, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong 4 tháng đầu năm (15/12/2014-15/4/2015), lực lượng cảnh sát cả nước đã lập biên bản xử phạt hơn 35.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, tài xế ôtô chiếm 6,8%, xe máy chiến 93,2%.
Toàn bộ tài xế bị tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện. Cảnh sát quyết định xử phạt 110,5 tỷ đồng nộp vào kho bạc nhà nước.
Các tỉnh có vi phạm nồng độ cao lần lượt là Tây Ninh, Đắk Lắk, TP HCM, Đồng Tháp, Phú Thọ...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, hơn 90% người dân được khỏa sát đồng tình tăng mức xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, kiến nghị phạt từ tài xế uống bia, rượu thì 66% người dân phản đối.
Ông Hùng cũng cho biết, thời gian tới Ủy ban ATGTQG tiếp tục phối hợp các đơn vị nhân rộng mô hình “điểm kinh doanh rượu, bia an toàn giao thông” tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị địa phương mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm tra nồng độ cồn, tạo điều kiện thuận lợi cho công an thực thi nhiệm vụ.