Năm 2022 đánh dấu cột mốc tròn 10 năm đổi mới và 5 năm kể từ khi HDBank chính thức lên sàn niêm yết. Chặng đường không ngừng nỗ lực trong thập niên vừa qua đã mang đến cho HDBank nhiều thành quả. Ước tính, tổng tài sản của ngân hàng thời điểm cuối năm 2022 vượt 416.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt hơn 366.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng gần 268.000 tỷ đồng.
Sự kiện đại hội cổ đông năm 2023 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM HDBank (HDBank) diễn ra lúc 8h30 ngày 26/4 tại khách sạn Holiday Inn - 18E Cộng Hòa, Tân Bình, TP.HCM. Đây là dịp để ngân hàng báo cáo hoạt động kinh doanh gồm doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ tăng trưởng trong năm tài chính vừa qua, đồng thời giải đáp thắc mắc và công bố phương hướng, chiến lược cho năm mới của ngân hàng.
Đại hội thường niên HDBank năm nay tổ chức trực tuyến với số lượng được chốt danh sách gần 24.000 cổ đông, trong đó có 667 cổ đông nước ngoài, đang theo dõi đại hội trên các đầu cầu trong nước và quốc tế.
-
Đông đảo cổ đông đến dự đại hội
Từ sớm, đông đảo cổ đông và khách mời đã có mặt tại nơi diễn ra sự kiện. Công tác an ninh được đảm bảo chặt chẽ và chuyên nghiệp, chu đáo. Các cổ đông dự họp trực tiếp còn nhận được quà tặng từ HDBank.
-
Năm nay, đại hội cổ đông HDBank diễn ra tại hội trường khách sạn Holiday In (số 18E Đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM). Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 có dấu hiệu trở lại, công tác phòng và chống dịch tại hội nghi diễn ra nghiêm túc, cẩn thận.
-
Lãnh đạo cấp cao HDBank đến sớm để chuẩn bị cho đại hội
8h30, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của HDBank đã có mặt để tham dự đại hội.
-
Đại hội có sự tham gia của đông đảo thành viên HĐQT và cơ quan truyền thông, báo đài. Sự kiện có sự tham dự của ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM; ông Trần Ngọc Toản - Phó trưởng phòng Quản lý giám sát vi mô, Cục Thanh tra, giám sát II, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Việt Nam; ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện UBCK phía nam.
Về phía HDBank có ông Kim Byoungho - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thành viên HĐQT độc lập; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị; thành viên HĐQT gồm ông Đào Duy Tường - Trưởng ban Kiểm soát và ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc cùng các lãnh đạo cấp cao HDBank.
-
Ông Đào Duy Tường - Trưởng ban Kiểm soát - báo cáo sơ bộ tình hình cổ đông HDBank
Tính đến tháng 3/2023, HDBank có 23.942 cổ đông, sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trong đó có 239 cổ đông tổ chức, bao gồm 117 tổ chức nước ngoài và 122 tổ chức trong nước. 23.703 cổ đông cá nhân, gồm 550 cổ đông nước ngoài và 23.153 cổ đông trong nước.
-
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thành viên HĐQT độc lập HDBank phát biểu khai mạc
Ông Kim Byoungho - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thành viên HĐQT độc lập - phát biểu khai mạc tại đại hội: "Năm 2022 đã khép lại với nhiều biến động có tác động nhanh, phức tạp và khó lường đến tình hình kinh tế thế giới. Vượt lên những thách thức từ thị trường quốc tế, kinh tế Việt Nam năm qua đạt một số kết quả tích cực với tăng trưởng GDP trên 8%, các cân đối lớn về vĩ mô được đảm bảo. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng".
Chủ tịch Hội đồng Quản trị tổng kết kết quả đánh giá hoạt động ngân hàng 2022 với nhiều số liệu tích cực về nguồn vốn, lợi nhuận và công tác quản trị. Nhờ tinh thần chủ động, linh hoạt nắm bắt cơ hội ngay cả trong giai đoạn nhiều biến động, HDBank năm qua tiếp tục tăng trưởng cao, bền vững. Đồng thời, ngân hàng cũng đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cao, nợ xấu ở mức tốt, tốc độ tăng trưởng dư nợ và huy động cao dẫn đầu toàn ngành.
-
HDBank ghi nhận lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2022
Phát biểu tại đại hội, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank - đã trình bày Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch Kinh doanh năm 2023. Năm 2022, HDBank đạt nhiều thành tích ấn tượng. Trong đó, tổng tài sản đạt 416.273 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2021. Tổng huy động vốn đạt 366.293 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 268.157 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021, đạt 105% kế hoạch. HDBank cũng là nhà băng có tăng trưởng tín dụng hàng đầu trong ngành.
Ngoài ra, nhà băng đặc biệt ghi nhận lợi nhuận đến 10.286 tỷ đồng. Với con số ấn tượng này, HDBank đã hoàn thành 105% mục tiêu lợi nhuận của năm 2022, đồng thời chính thức gia nhập "câu lạc bộ" nhà băng có lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng.
Nhiều năm trở lại đây, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các cổ phiếu trong danh mục “câu lạc bộ 10.000 tỷ lợi nhuận”. Để đạt mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ, doanh nghiệp thường sở hữu nhiều yếu tố bảo chứng như quy mô vốn, tài sản, công thức quản trị và cả chiến lược kinh doanh.
-
Chất lượng tài sản của HDBank thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu chiếm tỷ trọng thấp, tỷ lệ an toàn vốn cao. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,67% - mức thấp so với toàn ngành. Dư nợ dự kiến tăng 24% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 29%.
ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 23,5%, ROA (lợi nhuận trên tài sản) đạt 2,08% - đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khả năng tận dụng nguồn vốn hiệu quả và linh động của ngân hàng, bất kể tình huống chung của thị trường nhiều biến động trong thời gian qua.
-
Những cải tiến ấn tượng của HDBank năm 2022
Trong năm qua, HDBank ghi nhận nhiều cải tiến trong hoạt động. Cụ thể, ngân hàng đã triển khai các sản phẩm công nghệ và tăng tiện ích, nâng cấp hoạt động vận hành. Đồng thời, nhà băng này cũng cải tiến chính sách nhân sự, cụ thể đến cuối năm 2022, ngân hàng có 16.326 nhân viên, tăng 8% so với 2021.
Trong đó, nhân sự có thâm niên trên 5 năm chiếm 36%, tăng 21% so với năm 2021. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên HDBank năm 2022 là 38,7 triệu đồng/tháng, tăng 48% so với năm 2021. HDBank cũng là ngân hàng duy nhất 5 năm liên tiếp được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” do tạp chí HR Asia tổ chức bình chọn.
-
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an toàn vốn và thanh khoản cũng được chú trọng quan tâm. Điều này giúp hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt trên 14,3%, sẵn sàng tiến tới Basel III. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản khác đều tốt hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, ngân hàng cũng được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm, cho thấy khả năng sử dụng và khai thác nguồn vốn hiệu quả, an toàn, chuyên nghiệp.
-
Ít bị ảnh hưởng từ kênh bất động sản
Room tín dụng cao, dư địa tăng thu nhập dịch vụ từ bảo hiểm và thanh toán, thẻ là hai trong số những lợi thế của nhà băng này trước những biến động chung của thị trường trong năm qua.
Việc ít bị ảnh hưởng bởi nợ xấu từ bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) (cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 7,9% dư nợ cho vay 2022; số dư TPDN thấp chỉ 4.300 tỷ đồng, tương ứng 1,6% tổng dư nợ) cũng là yếu tố giúp HDBank vững vàng với con số lợi nhuận ấn tượng.
-
HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 cao vượt trội so với ngành
Tiếp nối đại hội, ông Phạm Quốc Thanh cũng thông qua kế hoạch hoạt động cho năm 2023. So với ngành, HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận cao vượt trội. Cụ thể, ngân hàng có kế hoạch tăng tổng tài sản đáng kỳ vọng - đạt 520.000 tỷ đồng, tức tăng 25% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
Kế hoạch đầy tham vọng đến từ nền tảng khách hàng tốt, chiến lược phát triển hướng đến khách hàng tại các đô thị loại 2 và nông thôn mà ngân hàng đang triển khai. Kế hoạch lợi nhuận của HDBank cho thấy lãnh đạo nhà băng này tự tin vào khả năng duy trì tăng trưởng bền vững dù đứng trước thị trường biến động.
Bên cạnh đó, ông Phạm Quốc Thanh cũng công bố phương án tăng vốn điều lệ thêm 16% trong năm tài chính 2022. Như vậy, vốn điều lệ dự kiến của ngân hàng sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ năm 2023 là 29.276 tỷ đồng, tức thêm gần 4.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
-
HDBank tiếp tục công bố kế hoạch chia cổ tức ở mức cao
Tiếp nối chương trình, ông Lê Mạnh Dũng - thành viên HĐQT - trình bày tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận và kế hoạch chia cổ tức năm 2022. Trong năm nay, HDBank tiếp tục công bố kế hoạch chia cổ tức ở mức cao, cụ thể là 25% - gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Quyết định trả cổ tức ở mức cao nhiều năm liên tiếp cho thấy ngân hàng không chịu áp lực quá lớn về chỉ số CAR dù kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm nay vẫn cao.
-
Ông Nguyễn Thành Đô - Phó chủ tịch HĐQT - tiếp tục trình bày một số tờ trình về chủ trương góp vốn, mua cổ phần của công ty trong lĩnh vực chứng khoán để doanh nghiệp đó trở thành công ty con của HDBank.
Cụ thể, công ty mà HDBank tham gia góp vốn phải đủ điều kiện thực hiện các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán; giá trị vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời hoạt động kinh doanh có lợi nhuận liên tiếp trong 3 năm gần nhất.
-
Ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh mảng thanh toán quốc tế
HDBank nỗ lực tạo ra giá trị, sản phẩm số mới từ mô hình kinh doanh số nhằm tối ưu nguồn lực và chi phí, giảm áp lực vận hành thủ công cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu vươn lên vững vàng trong top 5 các ngân hàng, phấn đấu vào top 3 ngân hàng năm 2025.
Trong năm qua, HDBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hợp tác AWS - công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu thế giới thuộc Amazon.com - để đưa vào sử dụng dịch vụ Amazon Elastic Kubernetes tại HDBank, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng ứng dụng dịch vụ Swift Go tại thị trường Việt Nam, khẳng định bước tiến quan trọng trong hoạt động thanh toán quốc tế.
-
Công bố kết quả kiểm phiếu bầu cử thành viên HĐQT
Ông Đào Duy Tường - Trưởng ban Kiểm phiếu - công bố kết quả kiểm phiếu bầu cử thành viên HĐQT. Theo đó, hội đồng quyết định thông qua miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm - thành viên HĐQT HDBank - theo nguyện vọng cá nhân. Cùng với đó, HĐQT bầu cử bổ sung một thành viên là ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank - vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.
-
Là ngân hàng có hội sở tại TP.HCM, HDBank luôn đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung.
Trong 34 năm hình thành và phát triển, HDBank đã có những bước đổi mới, đột phá liên tục. Đặc biệt trong 10 năm đổi mới vừa qua và 5 năm sau khi IPO, HDBank tiên phong chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm, tài chính dịch vụ hiện đại, đáp ứng đa dạng nhu cầu lẫn trải nghiệm tối ưu; là ngân hàng hạnh phúc - điểm tựa tài chính vững chắc cho khách hàng, người dân.
-
Thực hiện tôn chỉ "Phát triển bền vững, tiên phong dẫn đầu"
Cũng tại đại hội cổ đông lần này, ban lãnh đạo HDBank đã đề ra chương trình hành động và mục tiêu rõ ràng để thực hiện tôn chỉ "Phát triển bền vững, tiên phong dẫn đầu". Trong đó, nhà băng này xác định khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là trọng tâm; chiến lược chủ đạo là các sản phẩm bán lẻ, tài trợ chuỗi.
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục triển khai các kế hoạch kinh doanh để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhưng bền vững, tập trung tăng huy động tiền gửi, đảm bảo an toàn thanh khoản và quản trị hệ số dư nợ/huy động (LDR); nâng cao tỷ lệ CASA để giảm chi phí vốn; số hóa kênh phân phối cũng như đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên app, đẩy mạnh digital marketing....
-
Lãnh đạo HDBank giải đáp thắc mắc từ cổ đông
Cổ đông: Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, đây có thể là mục tiêu khá tham vọng. Cơ sơ nào để ngân hàng đặt mục tiêu lớn như vậy?
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank: Các chỉ tiêu mà ban điều hành đặt ra trong năm nay khá thách thức, tuy nhiên HDQT vẫn mạnh dạn phấn đấu và dựa trên niềm tin cùng những kinh nghiệm trong lịch sử hoạt động. Trong 10 năm qua, HDBank đều ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng khoảng 24-25%. Ngay trong quý I năm nay, HDBank đã bứt tốc đạt mức độ tăng trưởng tín dụng 10% - cao nhất toàn ngành.
2023 cũng là năm bản lề trong chiến lược 5 năm để đẩy mạnh chuyển đổi, triển khai các công cụ, danh mục và tiếp cận khách hàng mới với loạt chiến lược, kế hoạch mà HDBank xây dựng cũng như chuẩn bị trong thời gian qua. Có thể kể đến, chuyển đổi số, cải tiến nền tảng người dùng, hệ sinh thái và tệp khách hàng tiềm năng của ngân hàng khoảng 30 triệu lượt. Những chuẩn bị về nền tảng sẽ hỗ trợ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng hiện hữu cho HDBank.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tiếp cận thị trường nông nghiệp nông thôn rộng lớn thông qua nền tảng số, nhằm chuyển đổi khách hàng ở khu vực này. Một sáng kiến khác, trong tháng 5 này, ngân hàng sẽ cho ra đời phân khúc khách hàng trung - cao cấp để tập trung chăm sóc, gia tăng khai thác có hiệu quả tệp người dùng đặc biệt này.
-
Cổ đông: Trích lập dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của HDBank là bao nhiêu? Tỷ lệ này có an toàn không?
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank: Trích lập dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của HDBank khoảng 70-75%. Tỷ lệ này ở góc độ điều hành được đánh giá đủ an toàn, ngân hàng cũng đã phân loại, trích lập dự phòng đúng theo quy định Ngân hàng Nhà nước.
Khẩu vị đầu tư và cho vay của HDBank tương đối an toàn với gần 90% danh mục cho vay có tài sản đảm bảo. Phân bổ các khoản vay có tính thanh khoản tốt, giá trị khoản vay phân bổ vào đa dạng ngành nghề. Nhiều năm qua, chất lượng tài sản của HDBank đều ở mức tốt so với toàn ngành. Song song đó, ngân hàng sẽ căn cứ tình hình thực tế để trích trữ thêm nhằm tăng độ an toàn.
-
Cổ đông: Quan điểm và định hướng của ngân hàng đối với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp như thế nào?
Đại diện HDBank - ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank: Về BĐS, tỷ lệ tài trợ kinh doanh của HDBank vào khoảng 7,9% trong tổng danh mục cho vay - thấp nhất trong toàn ngành. Chúng tôi tập trung vào các dự án phân khúc trung bình thấp hoặc nhà ở xã hội. Điều này cho thấy “khẩu vị” của HDBank tương đối thận trọng.
Đối với mảng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tính đến 31/12/2022, HDBank nắm khoảng 4.300 tỷ trái phiếu doanh nghiệp, tương ứng 1,6% tổng dư nợ - mức thấp trong ngành. Toàn bộ TPDN đang được các trái chủ thanh toán gốc và lãi đúng hạn, đồng thời có cung cấp tài sản bảo đảm đầy đủ. Trong số này, TPDN do các doanh nghiệp xây dựng phát hành khoảng 2.000 tỷ đồng, chỉ 1.000 tỷ đồng phát hành bởi doanh nghiệp BĐS (tỷ lệ 24%), còn lại của doanh nghiệp du lịch, sản xuất ôtô và cơ khí.
HDBank luôn giám sát, theo dõi chặt chẽ các khoản đầu tư TPDN (đều có định kỳ kiểm tra, giám sát mỗi 3-6 tháng), tổ chức phát hành đang hoạt động kinh doanh ổn định, đảm bảo khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.
Hiện tại, các khoản đầu tư TPDN tại HDBank đều theo đúng quy định nội bộ vàpháp luật hiện hành với cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo khả năng thanh toán gốc, lãi của tổ chức phát hành. Do đó, HDBank hiện chưa ghi nhận rủi ro tiềm tàng đối với các khoản đầu tư TPDN này.
Trong định hướng sắp tới, HDBank sẽ có cơ hội chọn lựa những dự án, chủ đầu tư, tổ chức phát hành có hiệu quả nhằm mang lại lợi ích cho ngân hàng.
Cổ đông: HDBank đánh giá như thế nào về hiệu quả các đợt phát hành mang lại? Nhà đầu tư là ai?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT: Đánh giá hiệu quả, chúng ta có các nhà đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của HDBank với kế hoạch dài hạn. Tại đại hội lần này có quỹ Anfinit, IFC, DEG… và một số quỹ đầu tư nước ngoài khác. Sự hợp tác cùng có lợi với các đơn vị đã được khẳng định trong thời gian qua, đóng góp cho sự phát triển lâu dài, bền vững cũng như các chỉ số tài chính vững mạnh của HDBank.
-
Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao chiến lược phát triển bền vững của HDBank
Thời gian qua, HDBank đã có những tăng trưởng vượt bậc và đạt nhiều thành tích đóng góp cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, HDBank cũng nhận sự quan tâm chỉ đạo từ lãnh đạo các cấp.
Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM - phát biểu chúc mừng đại hội: "Đồng hành cùng NHNN thời gian qua là những nỗ lực của các định chế, tổ chức tài chính hoạt động tại Việt Nam, trong đó có HDBank. Năm 2022, HDBank đã báo cáo với NHNN và hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ, tổng tài sản lần đầu tiên đạt ngưỡng 400.000 tỷ đồng, chất lượng tài sản đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu thấp so với trung bình toàn ngành. Kết quả này làm cơ sở củng cố nền tảng vốn, năng lực tài chính cho các hoạt động tín dụng trong ngắn và dài hạn, đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của người dân lẫn doanh nghiệp. NHNN đánh giá cao HDBank về chiến lược phát triển bền vững, hướng đến thị trường đô thị loại 2 và nông thôn, cùng tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng hiệu quả, an toàn, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất thấp dưới 2%, áp dụng - tuân thủ đầy đủ Basel III".
-
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu bế mạc đại hội cổ đông HDBank 2023
Phát biểu bế mạc đại hội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh: “Nhìn lại một năm qua, HDBank nâng cao uy tín và vị thế với toàn bộ chỉ tiêu kinh doanh tích cực. HDBank được NHNN xếp loại A, hoạt động bán lẻ, tín dụng xanh, SME tăng tốc mạnh mẽ, chiến lược số phát triển tích cực. Chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu những ý kiến để đưa vào chương trình hành động, thực hiện tốt mục tiêu mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua với cam kết lợi ích cao nhất cho khách hàng, cổ đông, nhân viên, xứng đáng là ngân hàng của thành phố mang tên Bác”.
Đại hội cổ đông thường niên HDBank 2023 bế mạc, ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng cùng phương hướng hoạt động đầy kỳ vọng trong năm tới. Đại diện HDBank tặng hoa đại diện cơ quan Nhà nước, kết thúc 3 tiếng đại hội diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, thành công tốt đẹp.