Theo BBC, heroin không chỉ hiện diện ở trung tâm các thành phố ở Mỹ, mà đang lan rộng với số người nghiện và chết vì ma túy ngày càng tăng. Chicago là trung tâm của cơn lốc, do lượng heroin tinh chất, rẻ và dồi dào ở đây.
Tuyến đường xe lửa Green Line L của Chicago đưa người ta tới những thị trường mua bán ma túy ngoài trời ở phía tây thành phố. Ian Pannell, phóng viên BBC, đi cùng Jason, một dân nghiện. Khi ở trên tàu, Jason gọi điện cho “mối” của anh ta để yêu cầu hai túi heroin, với giá mỗi túi chỉ tầm 210.000 đồng. Tên bán ma túy tới gặp và trong thoáng chốc, hai gói nhỏ đã nằm trong tay Jason.
Jason (trái) mua heroin với khoảng 10 USD (210.000 đồng)/gói. Ảnh: BBC |
Khu vực phía tây của thành phố Chicago đã trở nên mục ruỗng vì sự bàng quan, ma túy và tội phạm. Khi phóng viên quay phim, 4 người qua đường dừng lại để hỏi thăm, và tất cả đều nói họ đã dùng heroin. Người dân có thể công khai nói về chuyện mua bán “nàng tiên nâu”. Dường như cảnh sát khu vực đang bất lực trước tệ nạn do lực lượng của họ mỏng.
Nhà chức trách ước tính khoảng 500.000 người Mỹ nghiện heroin. Một người phụ nữ mà Ian gặp trong nhà tù địa phương gọi đó là “đại dịch”. Cô ta vào tù vì tội ăn trộm ma túy để phục vụ cơn nghiện.
“Tôi không nghĩ mấy anh cảnh sát biết tình trạng tồi tệ ngoài kia”, cô nói.
Ở Lower Wacker Drive, khu dân nghèo tại Chicago, Ian gặp 5 dân nghiện heroin đang chích thuốc dưới đường hầm. Một số người liên tục chọc kim tiêm vào tay đến nỗi chảy máu khi cuống quýt đẩy dòng chất lỏng màu nâu nhạt vào cơ thể. Greg, một gã đàn ông, không tìm thấy ven nên đã tiêm thẳng vào bắp tay.
“Hai tay tôi đã ‘tã’ lắm rồi. Cứ chích 10 lần thì tôi phải chích bắp tới 9 lần”, anh ta giải thích.
Greg là dân vô gia cư, sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Hiện nay, anh ta đang sống chung như vợ chồng với một phụ nữ tên Stacey ở khu đường hầm. Họ là bạn tình, bạn nghiện và là cha mẹ của 3 cậu bé. Stacey thú nhận cô dùng heroin khi mới 11 tuổi.
“Điều khó khăn nhất là chúng tôi không thể ở bên con. Tôi nghĩ về chúng hàng ngày. Tôi cố gắng lãng quên đi bằng liều ma túy này, nhưng không dễ chút nào”, Greg tâm sự.
Phần lớn lượng heroin trên thị trường xuất phát từ Mexico, nơi sản lượng heroin tăng hơn 6 lần trong 10 năm trở lại đây. So với thuốc theo đơn (thuốc có khả năng gây ảo giác, gây nghiện), heroin thường rẻ và dễ sử dụng hơn. Một số loại thuốc kê đơn đang tăng giá, khó kiếm và khó lạm dụng hơn. Thậm chí chúng được làm thành dạng khó nghiền nát để người ta có thể hít hoặc hòa vào nước.
Cảnh sát Chicago truy quét dân nghiện heroin. Ảnh: BBC |
Tháng trước, nhà chức trách Mexico đã bắt Joaquin “El Chapo” Guzman, kẻ có thể là ông trùm của tập đoàn tội phạm Sinaloa. Năm 2013, Tổ chức Chống Tội phạm Chicaco (CCC) đã gọi Joaquin là tên tội phạm sừng sỏ số một. Theo Cơ quan Chống Ma túy Mỹ (DEA), tổ chức Sinaloa cung cấp 70% ma túy cho thị trường ở Chicago. Nhưng không ai dám chắc việc bắt Joaquin có thể ngăn chặn dòng chảy của heroin, bởi nhu cầu ma túy ở Mỹ vẫn rất cao.
Heroin không chỉ vươn vòi bạch tuộc tới những con nghiện bình thường ở trung tâm các thành phố, mà vươn tới cả những tầng lớp thượng lưu. Cái chết gần đây của diễn viên Hollywood Philip Seymour Hoffman do dùng quá liều ma túy tổng hợp, bao gồm heroin, đã khiến công chúng quan tâm hơn về một thực tế mà cảnh sát biết từ lâu - heroin đang vượt qua mọi ranh giới.
Theo đặc vụ Jack Riler, giám đốc khu vực của DEA, tệ nạn heroin có lẽ đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.
“Tôi đã theo công việc này suốt 30 năm, tới gần như mọi xó xỉnh trên nước Mỹ. Heroin giống như vũ khí hủy diệt hàng loạt giáng xuống gia đình, cộng đồng, xã hội. Tôi không hiểu tại sao mọi người không nhìn thấy mức độ nguy hiểm của heroin. Dịch vụ xã hội và y tế đang quá tải. Trong khi đó, tổ chức tội phạm của Mexico và những tên ma cô đường phố đang kiếm hàng tỷ đô la từ nó”, ông nói.
Đối tượng sử dụng tăng nhiều nhất là ở nhóm thanh thiếu niên. Các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm ở Mỹ, gần 34.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 12 đến 17 dùng heroin lần đầu. Ma túy đang ngày càng rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Nhiều con nghiện sống xa trung tâm thành phố, ở những thị trấn nhỏ hoặc nông thôn.
Steven Lunardi sinh ra và lớn lên ở khu ngoại ô trung lưu quanh Chicago. Năm 18 tuổi, anh biết đến liều heroin đầu tiên. Steven cho rằng “tất cả đã thay đổi” khi anh tiêm mũi thuốc đầu. “Sức khỏe, bề ngoài, bạn bè, sở thích và tất cả những thứ khác của tôi bắt đầu tiêu tan. Trong giai đoạn tệ nhất, tôi tốn vài trăm USD mỗi ngày cho ma túy”, anh nói. Anh từng thường xuyên trốn học để mua ma túy ở khu phía tây, và chích thuốc vào giờ nghỉ giải lao trong nhà vệ sinh.
Sau đợt cai nghiện, Steven đang cố gắng tránh xa ma túy hơn một năm nay. Nhưng không phải tất cả các con nghiện đều tìm thấy lối ra.
Steven Lunardi (phải) cai nghiện thành công hơn một năm, nhưng Stephanie Chiakas (trái) chết vì dùng ma túy quá liều khi mới 17 tuổi. Ảnh: BBC |
Stephanie Chiakas đã qua đời vì dùng quá liều ma túy ở tuổi 17. Ông Ken, cha của Stephanie, cho biết ông khóc gần như mỗi ngày. “Tôi khóc không phải vì tìm kiếm sự thông cảm hay bất cứ điều gì. Tôi chỉ không thể kiểm soát bản thân. Nỗi đau thật khó có thể tin nổi”, ông tâm sự.
Gia đình Stephanie đã làm một bộ phim về cô, chia sẻ những bức ảnh thuở thơ bé cho đến tuổi trưởng thành. “Tôi chỉ muốn lên tiếng và giúp mọi người nhận thức rõ hơn. Nhưng họ không muốn nói, không muốn tin. Đó không phải bức ảnh của một người vô danh ngồi dưới chân cầu chích thuốc nữa. Đó là người sống gần nhà bạn. Đó có thể là con cái bạn”, Ken nói.