Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại dịch cúm khiến 80 triệu người chết trong 36 giờ là đe dọa có thật

Virus cúm lây toàn thế giới trong 36 giờ, làm 80 triệu người tử vong, gây hoảng loạn, bất ổn xã hội, và thổi bay nền kinh tế. Nghe như phim, nhưng kịch bản này hoàn toàn có thể.

Một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đưa ra cảnh báo đáng sợ: kịch bản “tận thế” nói trên hoàn toàn có thể xảy ra, và các nỗ lực chuẩn bị trước của các chính phủ đang “thiếu sót một cách nghiêm trọng”, theo Guardian.

Họ đánh giá mối đe dọa về một đại dịch lan ra toàn thế giới, khiến hàng chục triệu người tử vong là “mối đe dọa có thật”, theo báo cáo đầu tiên của Ủy ban Giám sát Sự sẵn sàng Toàn cầu, một ủy ban độc lập gồm 15 chuyên gia do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lập ra sau đại dịch Ebola lần đầu ở châu Phi năm 2014.

Báo cáo cho biết đại dịch đang trở thành “rủi ro ngày càng nguy hiểm”, nhưng thế giới vẫn thiếu chuẩn bị, đồng thời cảnh báo các căn bệnh dễ bùng phát thành dịch như Ebola, cúm và SARS ngày càng khó kiểm soát hơn do xung đột gia tăng, bất ổn ở các quốc gia và làn sóng di dân.

Dai dich lam 80 trieu nguoi tu vong anh 1
Một camera kiểm tra nhiệt độ đang dò tìm dấu hiệu của bệnh SARS ở Seoul. Virus SARS đã lây sang 5 nước trong vòng 24 giờ vào năm 2003. Ảnh: AP.

Biến đổi khí hậu, đô thị hóa, và việc thiếu nước sạch cũng như điều kiện vệ sinh có thể tăng tốc độ lây lan, gây tử vong cao hơn ở một số nước, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ không loại trừ nước nào.

Nếu đại dịch cúm năm 1918 (cúm Tây Ban Nha) lặp lại, thiệt hại cho kinh tế toàn cầu sẽ là 3.000 tỷ USD, tức gần 5%.

“Nếu một bệnh lây nhiễm tương tự xảy ra ngày nay... và lây khắp thế giới trong vòng 36 giờ, 50-80 triệu người có thể tử vong. Ngoài mức độ chết chóc kinh hoàng, đại dịch có thể gây hoảng loạn, bất ổn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, thương mại toàn cầu”, báo cáo viết.

“Đại dịch cúm năm 1918 khiến một phần ba dân số thế giới bị mắc bệnh, và giết chết tận 50 triệu người - 2,8% tổng dân số”.

Báo cáo cũng nhắc tới nguy cơ virus bị phát tán một cách có chủ đích, gây đại dịch, vì các tiến bộ khoa học đã cho phép thay đổi các vi sinh vật trong phòng thí nghiệm.

“Từ lâu, cách tiếp cận của lãnh đạo thế giới đối với các khủng hoảng bệnh dịch thường là vòng tròn lặp lại giữa hoảng sợ và thờ ơ”, tiến sĩ Gro Harlem Brundtland, cựu thủ tướng Na Uy và là đồng chủ tịch ủy ban, cho biết.

“Đã đến lúc có hành động cấp thiết và liên tục”, ông nói, và kêu gọi tăng ngân sách cho việc phòng ngừa dịch bệnh từ cấp cộng đồng, quốc gia đến quốc tế.

Báo cáo công nhận rằng các chính phủ và tổ chức quốc tế đã có những bước tiến trong việc chuẩn bị cho đại dịch trong 5 năm kể từ đại dịch Ebola, nhưng kết luận rằng mức độ chuẩn bị hiện tại vẫn “thiếu sót một cách trầm trọng”.

Báo cáo cho biết đến tháng 7/2019, 59 nước đã lên kế hoạch quốc gia cho tình huống đại dịch. Nhưng không nước nào cấp ngân sách đủ cho kế hoạch của họ.

600 người chết, Philippines tuyên bố đại dịch quốc gia sốt xuất huyết

Đợt dịch sốt xuất huyết ở Philippines đã được tuyên bố là đại dịch quốc gia sau khi gây ra hàng trăm ca tử vong trong năm nay.

Hàn Quốc bãi nhiệm bộ trưởng y tế sau đại dịch MERS

Ngày 4/8, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố chính thức bãi nhiệm Bộ trưởng Y tế Moon Hyong Pyo, đồng thời thay bộ trưởng mới chỉ một tuần sau khi đại dịch MERS kết thúc.


Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm