Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu TP.HCM: Vứt 1 kg rác phải thu gom lại gấp 10

Bức xúc với vấn nạn ô nhiễm môi trường, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) đề nghị xử phạt nghiêm khắc người vứt rác bừa bãi bằng hình thức lao động công ích.

Nhiều đại biểu thể hiện sự không hài lòng với quá trình xử lý, phân loại và thu gom rác trên địa bàn TP trong phiên thảo luận ở HĐND TP.HCM sáng 12/7. Đa số đại biểu yêu cầu TP nghiêm khắc hơn trong chế tài xử phạt với các cá nhân, tổ chức xả rác thải bừa bãi, sai quy định.

Bắt lao động công ích

Nhiều đại biểu dành thời gian phân tích, mổ xẻ nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ô nhiễm môi trường trong thành phố. Ông Trần Quang Thắng, đại biểu quận 8, đề xuất nhiều giải pháp như sử dụng xe điện, tăng cường phương tiện công cộng trên địa bàn. Đại biểu Thắng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm khắc các công ty xả chất thải bẩn ra môi trường và những cá nhân có hành vi xả rác, từ đó hướng tới thay đổi ý thức người dân.

“TP cần biến hành động của người dân thành thói quen bằng cách phạt nguội, bắt lao động công ích. Ví dụ người vứt 1 kg rác ra đường thì phải thu gom 10 kg. Tiền xử phạt có thể dùng để trả lương cho cán bộ theo dõi”, đại biểu quận 8 đề nghị.

phat nguoi hanh vi xa rac anh 1
Đại biểu Trần Quang Thắng than thở về việc rác thải tràn ngập đường phố, ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị văn minh mà TP.HCM đang xây dựng. Ảnh: Lê Quân.

Tán thành, ông Vũ Thanh Lưu, đại biểu quận 8, yêu cầu TP thắt chặt giám sát vấn đề xả rác. Qua kiểm tra, đại biểu Lưu nhận thấy các địa phương hầu như không xử phạt hành vi xả rác. Do đó, dù TP ra sức kêu gọi nhưng người dân vẫn thờ ơ.

"Cảnh sát khu vực cần vào cuộc để tăng cường xử lý hành vi xả rác bừa bãi", ông đề nghị.

Chậm tiến độ phân loại rác tại nguồn

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 11/7, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cũng bày tỏ sự thất vọng về tiến độ thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chịu trách nhiệm triển khai.

“Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỷ lệ phân loại rác với người dân phải đạt tối thiểu 50%. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chỉ là thí điểm. Mà từ thử nghiệm đến thực tế triển khai là một khoảng cách rất xa”, đại biểu quận 3 nói.

Ông Nhựt yêu cầu Sở TNMT giải trình về tiến độ thực hiện dự án và kế hoạch hoàn thiện chỉ tiêu mà HĐND đặt ra.

Đại biểu Trương Trung Kiên (quận Tân Phú) cho biết qua khảo sát toàn bộ 24 quận, huyện, HĐND chưa thấy Sở tiến hành triển khai trên diện rộng.

“Một quận, huyện chỉ triển khai được ở vài khu phố trong phường, xã. Tỷ lệ như vậy là rất nhỏ so với Nghị quyết HĐND đề ra. Đề nghị Sở làm rõ và giải quyết nhanh chóng để đảm bảo đạt được mục tiêu”, ông Kiên nêu ý kiến.

phat nguoi hanh vi xa rac anh 2
Nhiều người dân TP.HCM xả rác bừa bãi. Ảnh: Hải Long.

Trả lời các đại biểu tại phiên thảo luận toàn thể sáng 12/7, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết Sở đã tổ chức nhiều buổi họp để triển khai dự án phân loại rác và ban hành chính sách phân cấp về địa phương. Sở hứa sẽ hoàn thành tiến độ dự án như HĐND đã giao phó.

Năm 2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.­ Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định đạt tối thiểu 50%, tăng dần vào các năm tiếp theo và đạt tối thiểu 80% vào năm 2025.

Ông Lê Trương Hải Hiếu: Nên cho dân xây nhà tạm khi chưa thu hồi đất

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đề xuất cho xây nhà tạm trên khu đất chưa thực hiện quy hoạch, chưa thu hồi để người dân tránh thiệt thòi.


Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm