Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Nhiều bà con quá khó khăn, chỉ muốn về quê

"Cuộc sống của bà con rất khó khăn dù chính quyền các cấp, ngành đã hỗ trợ. Hầu hết là lao động tự do, tựu trung chỉ có một nguyện vọng là phải về quê", ông Nguyễn Sỹ Quang nói.

Sáng 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội nghị tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận 1, 3 và Bình Thạnh của tổ đại biểu đơn vị 2 trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, cử tri 3 quận đặt ra nhiều vấn đề như tạo điều kiện cho người dân về quê cũng như công nhân trở lại TP.HCM làm việc, lưu thông giữa các tỉnh, tiêm vaccine cho trẻ em...

Các địa phương thiếu thống nhất, lưu thông khó khăn

Cử tri Nguyễn Đình Hùng, quận Bình Thạnh, nhắc lại khi TP.HCM bùng dịch, Chính phủ đã lập Tổ công tác đặc biệt tại các tỉnh, thành phía nam để giải quyết lưu thông hàng hóa. Thế nhưng, vấn đề này vẫn bị ách tắc. "Vậy nguyên nhân là gì, chậm chỗ nào? Đề nghị đại biểu có câu trả lời với cử tri", ông Hùng nói.

Tương tự, cử tri Đặng Quốc Hùng, quận 1, cho biết nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa, người lao động, do thiếu thống nhất trong quy định tại các địa phương. Cử tri cho rằng cần có phương án lưu thông thống nhất giữa các tỉnh, thành.

Vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân cũng được các cử tri quan tâm. Cử tri Nguyễn Đình Hùng, quận Bình Thạnh, chia sẻ nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" hay "3 tại chỗ" vì không có quỹ đất. Cử tri góp ý phải tính đến việc xây nhà ở cho công nhân để đảm bảo khi có dịch thì các đơn vị vẫn có thể sản xuất.

Dai bieu Quoc hoi tiep xuc cu tri anh 1

Cuộc tiếp xúc ghi nhận 13 ý kiến cử tri về vấn đề phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Ảnh: Thu Hằng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, thừa nhận việc lưu thông hàng hóa thời gian qua bị đình trệ vì nhiều lý do. Vấn đề nằm ở cả các địa phương cung cấp hàng hóa, hoặc ách tắc trên đường vận chuyển do một số địa phương quy định về đi lại khác nhau.

TP.HCM đã trao đổi với các tỉnh để có sự liên thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động di chuyển theo quy chế, tiêu chí. Chuỗi cung ứng trước đây có khó khăn nhưng khi có luồng xanh thì việc đi lại đã tiện lợi hơn, cung ứng hàng hóa tương đối được đảm bảo.

Đối với nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, ông Quang nhìn nhận trong giai đoạn TP kêu gọi "ai ở đâu ở yên đó", nhiều công nhân gặp khó khăn vì trong một nhà trọ nhỏ nhưng có tới 4-5 người ở. Thời gian qua, dù "ai ở đâu ở yên đó", dịch vẫn lây lan rất nhanh ở khu đông công nhân như quận Bình Tân, Bình Thạnh...

"Chúng ta xuống thăm sẽ thấy họ không thể ở trong nhà 24/24 được, chỉ ngủ thôi. Muốn thở cũng phải ra ngoài dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn", ông Quang chia sẻ và cho biết các khu nhà trọ không đảm bảo các tiêu chí sống cơ bản.

Do đó, trong các chiến lược phục hồi kinh tế, TP.HCM đã có chính sách xây dựng nhà công vụ, nhà công nhân, nhà ở xã hội để vừa đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho người dân, vừa phòng chống dịch bệnh.

Người dân về quê tự phát rất nguy hiểm

Cử tri Đoàn Mạnh Hường, quận Bình Thạnh, nhận định không thể ngăn cản người dân về quê và đề nghị cần quan tâm chính sách hỗ trợ cho bà con về từng đợt để tránh lây lan dịch.

Bà Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1, đề nghị Chính phủ hỗ trợ đón công nhân các tỉnh về lại thành phố. Thời gian qua, công nhân về quê nhiều nên nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động "xanh". Trong khi đó, doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Quang cho rằng sau 4 tháng, sự chống chịu của nhiều người đã đến ngưỡng, gần như không còn chịu nổi.

"Tối 30/9, tôi ở Bình Chánh tiếp xúc nhiều người thì thấy cuộc sống bà con rất khó khăn dù chính quyền các cấp, các ngành đã hỗ trợ. Hầu hết là lao động tự do, tựu trung chỉ có một nguyện vọng là phải về quê, đúng là không thể ngăn được", ông nói.

Dai bieu Quoc hoi tiep xuc cu tri anh 2

Ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã chỉ đạo và TP.HCM cũng phối hợp với các địa phương để thu xếp cho người dân về quê trật tự, an toàn. Việc người dân tự phát về quê rất nguy hiểm nên TP cố gắng tạo điều kiện để người dân tiếp tục ở lại làm việc.

Phó giám đốc Công an TP.HCM đặc biệt lưu ý việc nới lỏng giãn cách xã hội kéo theo tỷ lệ tội phạm tăng vì lưu lượng người ra đường lớn. Các tội phạm đặc trưng là tội xâm phạm sở hữu (cướp giật...), tín dụng đen. Công an đã có kế hoạch cao điểm trấn áp và đưa nhóm tội phạm này vào diện trọng điểm để kiểm soát. Ông cảnh báo cử tri cần cảnh giác với các nhóm tội phạm này.

Đề xuất sớm tiêm vaccine cho trẻ đến trường

Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Yến, quận 3, cho rằng kỳ họp Quốc hội tới cần có quyết sách để giúp TP.HCM mở cửa lại trường học. Theo bà Yến, không ít trẻ em sau thời gian dài giãn cách phải chịu tác động tâm lý. Do đó, việc tiêm vaccine cho trẻ em cần được quan tâm để học sinh sớm được tới trường.

Trả lời vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho biết trong Chỉ thị 18, TP.HCM cũng đưa nhóm này vào diện chú trọng ưu tiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có vaccine phù hợp và chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu có vaccine thì TP sẽ nghiên cứu để tiêm cho nhóm từ 3 tuổi trở lên để tạo miễn dịch trong trạng thái bình thường mới.

Cử tri TP.HCM đề nghị tạo điều kiện cho người dân đăng ký về quê

Cử tri quận Bình Tân, TP.HCM, thống nhất quan điểm không thể ngăn cản người dân TP.HCM về quê. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ để bà con đăng ký, đưa về từng đợt.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm