Từng ĐBQH phải tự đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân với bốn mức để đại biểu lựa chọn, gồm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Cụ thể các đại biểu sẽ phải báo cáo những kết quả chính mà đại biểu đã đạt được trong năm qua, những việc chưa làm được trong chương trình công tác đã đề ra. Từng người cũng được đề nghị nêu rõ thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của mình, đồng thời nêu phương hướng, dự kiến chương trình hoạt động trong năm 2014 cùng những sáng kiến, đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, tự chấm điểm bản thân được đánh giá là tăng tính trách nhiệm đối với mỗi cá nhân đại biểu. |
Trong mỗi báo cáo của đại biểu sẽ có phần nhận xét của trưởng đoàn đại biểu Quốc hội về phần tự đánh giá của đại biểu chuyên trách địa phương. Đối với trường hợp đại biểu chuyên trách giữ chức trưởng đoàn thì cần có nhận xét, đánh giá của tập thể đoàn ĐBQH.
Tương tự, bản tự đánh giá của các đại biểu chuyên trách Trung ương cũng được đề nghị phải có nhận xét của thường trực các cơ quan của Quốc hội, nơi đại biểu đó đang công tác.
Dù công việc này đã được thực hiện từ năm trước, song hiện vẫn còn những bất cập bởi theo nhiều ý kiến của đại biểu thì có những khó khăn trong việc lấy ý kiến tập thể do mỗi đoàn ĐBQH đều có cơ cấu một số đại biểu ở Trung ương hoạt động kiêm nhiệm.
Thêm nữa, lại không có tiêu chí kèm theo số điểm cụ thể và quy định số điểm tương ứng với mức hoàn thành nhiệm vụ, do vậy việc tự nhận mức được xem là “làm khó” cho đại biểu. Bởi không ít đại biểu cả kỳ họp chỉ đến ngồi nghe mà không hề có ý kiến phát biểu nào.
Trước đó, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ với 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Theo Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm, cán bộ có tín nhiệm thấp sau khi lấy phiếu được khuyến khích từ chức. Cơ quan quản lý, người đề bạt cán bộ có thể trình Quốc hội miễn nhiệm và giới thiệu nhân sự thay thế.