Sáng qua (31/12), báo cáo về công tác tư pháp quý IV năm 2013, ông Trần Tiến Dũng (Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp) cho biết, hiện nay, các đại biểu Quốc hội rất tán thành với đề xuất của Bộ Tư pháp cho phép áp dụng tập quán trong hôn nhân. Nhưng các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định ngoại lệ đối với tập quán kết hôn sớm của một số dân tộc thiểu số.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã làm mẹ khi chưa đủ 18 tuổi (Ảnh minh họa) |
Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành (từ năm 2000) chỉ cho phép áp dụng tập quán "mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy".
Tuy nhiên, trong dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đang được soạn thảo, Bộ Tư pháp đề xuất phương án, cho phép áp dụng tập quán kể cả khi "pháp luật có quy định nhưng các bên tự nguyện thực hiện". Tất nhiên việc kết hôn vẫn phải tuân thủ đúng nguyên tắc một vợ một chồng.
Phương án này đang gặp vướng mắc lớn nhất là tảo hôn. Ông Trần Tiến Dũng cho hay, thực tế cho thấy một tập quán trái với quy định pháp luật thường gặp ở một số dân tộc thiểu số là kết hôn sớm (tảo hôn). Tảo hôn lại là hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ sẽ là 18. Nhưng ở một số vùng dân tộc thiểu số, tuổi kết hôn có thể dưới 18. Cho phép áp dụng tập quán cũng không giải quyết được vướng mắc đó trên thực tế.
Cuộc họp báo sáng 31/12/2013 của Bộ Tư pháp |
Để xử lý vướng mắc nêu trên, người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định ngoại lệ về độ tuổi đối với trường hợp này. Điều này đồng nghĩa với việc, một số trường hợp có thể kết hôn dưới 18 tuổi.
Trả lời chúng tôi, TS. Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết, quy định ngoại lệ này chỉ được áp dụng cho những trường hợp rất đặc biệt. Hiện vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau về "ngoại lệ".
Một số ý kiến cho rằng, quy định ngoại lệ chỉ áp dụng với một số dân tộc thiểu số có tập quán tảo hôn. Nhưng những ý kiến khác lại cho rằng, kể cả dân tộc Kinh, vẫn có thể có trường hợp đặc biệt. Tại sao những trường hợp đó không thể được áp dụng quy định ngoại lệ?
“Thực tế ở dân tộc Kinh, có người 16 tuổi vẫn đã sinh nở, làm mẹ.” – Ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, "ngoại lệ" tuy chỉ áp dụng cho trường hợp đặc biệt nhưng quan điểm của cơ quan soạn thảo là có thể mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ đơn thuần các dân tộc thiểu số.