Sáng nay 26/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình. Nhiều đại biểu đã bàn về quy định đối với việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Các nước cũng có lộ trình
Theo dự luật, quy định cấm việc kết hôn giữa những người đồng giới trong luật hiện hành đã được hủy bỏ, thay vào đó là quy định nhà nước không thừa nhận việc hôn nhân giữa những người đồng giới. Quy định mới này được hiểu là việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính không còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên họ không có quyền đăng ký kết hôn như các cặp vợ chồng bình thường khác.
Đại biểu Hồ Thị Thủy. |
Ủng hộ quy định của dự luật, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc chung sống giữa những người cùng giới tính là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng giới cũng mong muốn nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng của họ. Trên thực tế, có những trường hợp gia đình đã tổ chức đám cưới cho người đồng giới.
“Trong điều kiện nước ta, quy định không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính nhưng nhà nước không can thiệp và thừa nhận việc chung sống đồng giới của họ là phù hợp. Hiện nay có 16 nước trên thế giới thừa nhận kết hôn đồng giới. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy họ đều có lộ trình để thừa nhận việc chung sống này”, ông Tuyết cho hay.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nói thêm: Về hôn nhân đồng giới, các quốc gia khác cũng đều có lộ trình, ví dụ như Đan Mạch là 22 năm, từ việc không cấm hôn nhân đồng giới đến thừa nhận và cho phép đăng ký kết hôn.
Bà Thủy đề nghị dự luật phải quy định rất cụ thể, chặt chẽ các hậu quả do việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính phát sinh. “Ví dụ, họ xin con nuôi thì ai là bố, ai là mẹ, hay cả hai cùng là bố hoặc cả hai cùng là mẹ?”, bà Thủy nêu vấn đề.
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị quy định việc giải quyết vấn đề tài sản của những người đồng giới không thể như những cặp vợ chồng bình thường mà phải tuân theo Bộ luật Dân sự.
Không nên hạn chế đối tượng mang thai hộ
Ủng hộ quy định được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bà Hồ Thị Thủy đề nghị phải quy định rất chặt chẽ, cụ thể để tránh những hậu quả phức tạp nảy sinh mà không đủ quy định pháp lý để giải quyết.
“Ví dụ chế độ khám sức khỏe, chăm sóc người mang thai hộ trong quá trình mang thai như thế nào? Hay là bố mẹ chia tay trong quá trình đang nhờ người mang thai hộ thì giải quyết ra sao? Tôi đề nghị không nên quy định chỉ người thân thiết trong gia đình mới được mang thai hộ. Quy định như vậy sẽ giới hạn chính sách nhân đạo cho phép mang thai hộ. Tôi nghĩ nên mở rộng đối tượng được phép mang thai hộ, vì đây là quan hệ dân sự, miễn là đối tượng đó đủ điều kiện và việc mang thai hộ không bị thương mại hóa”, bà Thủy đề nghị.
Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) thì phân tích: Mang thai hộ có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, mang thai hộ rất ít trường hợp tự nguyện, trừ trường hợp đặc biệt như chị, em gái. Việc mang thai hộ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Ví dụ việc mang thai hộ nếu chỉ cam kết bằng lời, sau đó sinh ra trẻ khuyết tật mà người nhờ mang thai không nhận con thì sao? hoặc sinh ra 2-3 con nhưng chỉ nhận một con thì thế nào? Còn nếu có văn bản thì đó là quan hệ dân sự, ít ý nghĩa nhân đạo…
Từ những phân tích trên, ông Hoàng đề nghị chưa nên đưa quy định này vào luật, mà cần có thời gian xem xét, thu thập ý kiến của nhân dân và nghiên cứu kỹ lưỡng.