Sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Quan tâm về chính sách phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Ông đánh giá: "Chính sách và điều khoản trong dự thảo luật dường như đang hướng tới mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội nhưng thực tế người thu nhập thấp chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình trong khi nhà ở là tài sản quá lớn đối với đa số người thu nhập thấp".
Do đó, ông đề cập đến hệ quả người dân sẽ khai gian thu nhập, diện tích để hưởng lợi mua nhà ở xã hội với giá thấp hoặc người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua đầu cơ nhà ở xã hội.
"Nhà ở xã hội chỉ nên áp dụng hình thức cho thuê"
Đại biểu đề nghị tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
"Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả 3 bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân", đại biểu đề xuất.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành nhà ở xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.
Đồng thời, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhà ở xã hội chỉ nên áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.
"Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội", đại biểu nói.
Dự án nhà ở xã hội Trung Văn (Hà Nội). Ảnh: Thanh Vũ. |
Theo vị đại biểu, nên có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, còn nhà ở xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội.
Góp ý về nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân.
"Nhà nước nên sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội", đại biểu góp ý.
Cần quy định thời hạn sở hữu chung cư theo thời hạn công trình
Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư là cần thiết. Bởi theo ông nhà ở có tuổi thọ nhất định sau thời gian cần được cải tạo xây mới để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng.
"Tuy nhiên, thực tiễn vấn đề này khá phức tạp và đề nghị Bộ Xây dựng cần thống kê để phân loại các trường hợp đánh giá tác động về kinh tế - xã hội để có cơ sở xem xét", ông nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng tình trạng khó khăn trong việc phá dỡ, cải tạo chung cư cũ hiện nay xuất phát từ quy định nhà chung cư cũ được sở hữu vĩnh viễn (không thời hạn).
Cần quy định thời hạn sở hữu chung cư theo thời hạn công trình thiết kế. Bởi khi đó, người dân sở hữu nhà sẽ có lợi vì họ chỉ trả tiền sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế thay vì trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội)
"Trong tương lai, khi các chung cư cũ đều là nhà cao tầng, khi đó, nhà chung cư phải phá dỡ, người dân muốn tiếp tục sở hữu phải tự chịu các chi phí để xây dựng lại. Như vậy, khi quy định sở hữu dài hạn hay có thời hạn, thì thực chất khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng thì quyền của cư dân không còn gì, có chăng là quyền sở hữu nhà ghi trên giấy chứng nhận.
"Theo đó, cần quy định thời hạn sở hữu chung cư theo thời hạn công trình thiết kế. Bởi khi đó, người dân sở hữu nhà sẽ có lợi vì họ chỉ trả tiền sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế thay vì trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn. Theo đó, giá nhà sẽ khác so với giá nhà khi quy định được sở hữu vĩnh viễn", ông nói.
Đại biểu đề nghị nếu đến thời hạn công trình thiết kế, tiến hành đánh giá vẫn đảm bảo thì quyền sở hữu của người dân được kéo dài. Hơn nữa, đất giao cho xây dựng nhà chung cư phải là đất cho thuê theo thời hạn xây dựng, khi hết thời hạn thì cho thuê xây dựng lại.
Tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Hơn nữa, ông cho rằng một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.
"Cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn và có thời hạn để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. Đồng thời, cần quy định rõ với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh. Ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để sửa chữa, xây mới", ông dẫn chứng.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế