Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy nhanh đầu tư công, tránh lãng phí

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy nhanh đầu tư công, nhưng cũng cần siết chặt quy trình, tránh đầu tư sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát tiền của.

Sáng 25/7, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

Đề cập đến việc lập và triển khai các dự án đầu tư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề cao tính thực chất của báo cáo, tránh những báo cáo đánh giá một cách hời hợt, manh tính hình thức, thiếu thực chất.

Bên cạnh đó, trong huy động các nguồn lực đầu tư cần phải có các giải pháp mang tính cụ thể; có căn cứ, có tính thuyết phục, có mục tiêu rõ ràng trong huy động vốn đầu tư thực hiện các dự án; tránh trình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Văn Phúc (tỉnh Quảng Nam) cho rằng Chính phủ cần quan tâm, siết chặt hơn nữa hoạt động đầu tư công, tránh đầu tư sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân.

Dai bieu Quoc hoi kien nghi day nhanh dau tu cong,  tranh lang phi anh 1

Nhiều dự án đầu tư công hiện nay bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Chí Hùng.

Theo ông, Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, cắt giảm các khâu trung gian; giảm chi thường xuyên, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí; có các chính sách thỏa đáng trong thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước; kiên quyết tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực làm việc kém.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (tỉnh Hòa Bình) thì cho rằng thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt đông sản xuất nông nghiệp.

Nhấn mạnh các dự án đầu tư hiện nay bị chậm tiến độ phần nhiều do công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu kiến nghị tách riêng hợp phần giải phóng mặt bằng thành một dự án khác, qua đó tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả vấn đề để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng tốt cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, liên quan đến phát triển đô thị, đại biểu Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) nhìn nhận phát triển đô thị và và kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các địa phương. Nhiều điểm sáng, kết quả tích cực về phát triển đô thị đã được thể hiện trong các báo cáo về kinh tế - xã hội; các chỉ tiêu về đô thị hóa cũng đã được đề ra.

Tuy nhiên, hàng loạt tồn tại, bất cập cần quan tâm khắc phục trong phát triển đô thị, trong đó nổi lên là sự phát triển không đồng bộ giữa không gian đô thị và mở rộng đô thị; số đô thị nhỏ còn nhiều; hạ tầng đô thị về giao thông, xử lý nước thải còn những bất cập; kết nối đô thị với nông thôn còn chưa đầy đủ; đời sống một bộ phận công nhân lao động, người dân đô thị còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Trần Văn Khải mong muốn Chính phủ có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn trong phát triển đô thị và kinh tế đô thị; phát huy, tận dụng tốt hơn nữa vai trò của đô thị trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, để góp phần phát triển bền vững đô thị.

Hà Nội lên kịch bản trường hợp nhà máy sản xuất bị phong tỏa

Trong trường hợp nhà máy ở khu công nghiệp bị phong tỏa để phòng chống dịch, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho rằng cần lấy chính cơ sở làm nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm