Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn, do Nhà nước đặt hàng đang thu hút sự quan tâm, bàn luận của khán giả yêu phim trên cả nước. Ban đầu, bộ phim chỉ chiếu tại một địa điểm duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Sau đó, do hiệu ứng truyền miệng, thông tin, hiệu ứng về tác phẩm được lan tỏa rộng rãi.
Đến nay, phim được chiếu tại các cụm rạp của hệ thống Cinestar, Beta Cinema trên toàn quốc. Ở nhiều địa phương, khán giả phải xếp hàng dài để mua vé vào rạp, do không thể đặt online thông qua website nhà rạp.
Trước hiện tượng Đào, phở và piano, trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc bộ phim tạo hiệu ứng bất ngờ ngoài phòng vé là tín hiệu tốt, tích cực cho một bộ phim do Nhà nước đặt hàng.
Đào, phở và piano nhận sự quan tâm, bàn luận của khán giả trong những ngày qua. |
“Trường hợp Đào, phở và piano cho thấy không phải các bộ phim do Nhà nước đặt hàng là không có thị trường, không nhận được sự quan tâm của khán giả, kể cả khán giả trẻ. Những gì mà chúng ta thiếu là một định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, thực chất. Ở đó, bất kỳ một dòng phim nào, kể cả phim do Nhà nước đặt hàng, cũng phải chú ý đầy đủ đến yếu tố thị trường, quan tâm đồng bộ đến các khâu, từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, kỹ thuật, phát hành, phê bình, quảng bá trên các phương tiện khác nhau, kể cả mạng xã hội, phát triển thương hiệu, phát triển khán giả...”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, làm thế nào để Đào, phở và piano không chỉ là hiện tượng, mà phải khởi đầu xu hướng tích cực liên quan đến dòng phim lịch sử là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà làm phim.
“Theo tôi, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định, cả trực tiếp liên quan đến điện ảnh và gián tiếp như về thuế, phí, quản lý, sử dụng tài sản công,... để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim. Cần lưu ý nhiều hơn đến việc sản xuất những bộ phim chất lượng bằng cách hợp tác với các đạo diễn, biên kịch, và diễn viên tài năng, có thương hiệu. Ngoài ra, cần sử dụng tốt hơn các nền tảng truyền thông xã hội để tạo ra sự chú ý và tạo dựng thương hiệu cho các dự án phim, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu. Cuối cùng là tạo ra nội dung phim mang tính cảm hứng và phản ánh gần gũi, chân thực về đời sống xã hội, từ đó mang lại sự quan tâm và kích thích phản hồi từ khán giả”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, sau 16 ngày phát hành (từ ngày 10/2 đến 26/2), phim bán hơn 42.000 vé, thu về hơn 2.281 tỷ đồng doanh thu.
Đại diện Beta Cinema không tiết lộ về doanh thu bộ phim. Song nhà rạp nói phim hiện có 60-65 suất chiếu mỗi ngày với tỷ lệ lấp đầy rạp ở mức cao kỷ lục (95%).
Đào, phở và piano được đầu tư kinh phí 20 tỷ đồng. Phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội với câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh). NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng... cũng góp mặt trong phim.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.