Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội: Hà Nội nên dồn lực hoàn thành nhanh các công viên

Các đại biểu Quốc hội cho rằng Hà Nội nên đầu tư nhiều hơn nữa cho các tiện ích công cộng như công viên, vườn hoa, tạo không gian sống xanh cho người dân thụ hưởng.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã chia sẻ quan điểm về phát triển các công viên hồ điều hòa tại Hà Nội. Hiện có nhiều dự án công viên chậm tiến độ, chưa triển khai hoặc triển khai chậm. Thậm chí có những dự án công viên đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng do vướng mắc về quá trình nghiệm thu.

Nhiều dự án thiếu vốn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng công viên là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành quy hoạch phát triển đô thị. Nhiều công viên được đầu tư bằng vốn đầu tư công, nên khi hạn chế về ngân sách, tiến độ xây dựng đã rất chậm chạp.

Ông lấy ví dụ như ở khu vực trung tâm thành phố có công viên Tuổi Trẻ trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), dù thành phố đã có kế hoạch đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, cộng thêm một số chỗ bị lấn chiếm. Dự án sử dụng tiền ngân sách nên khi chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gần như không thể đền bù để triển khai tiếp.

cong vien ha noi anh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: HH.

Ngoài ra, Hà Nội cũng có một số dự án công viên làm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Khi đó, dự án thường được các chủ đầu tư tư nhân xây dựng kèm theo một dự án kinh doanh. Chủ đầu tư có thể trích một phần từ hoạt động kinh doanh để xây dựng công viên.

Tuy nhiên, rủi ro khi dự án kinh doanh của chủ đầu tư tư nhân chậm tiến độ, dẫn đến một số dự án công viên cũng bị chậm tiến độ theo. Hoặc một số chủ đầu tư đã hoàn thành dự án kinh doanh nhưng vẫn chậm tiến độ dự án công viên - hồ điều hòa. Đây là vấn đề mà nhiều công viên đã khởi công nhưng nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng công viên là một phần rất quan trọng tại các đô thị lớn trên thế giới, được xem không chỉ là một tiện ích cho dân cư mà còn là một nét văn hóa, điểm tham quan du lịch. Trong nhiều năm, với tốc độ đô thị hóa, số lượng công viên xây mới tại Hà Nội không theo kịp tốc độ phát triển của đô thị và quá trình gia tăng dân số. Thậm chí nhiều công viên nằm trong các khu đô thị đã được phê duyệt rồi, nhưng triển khai rất chậm chạp.

Ông Lộc cho rằng đã đến lúc Hà Nội nên quan tâm nhiều hơn đến diện tích xây dựng công viên. Tỷ lệ cây xanh và hồ nước hiện tại còn thấp so với tiêu chuẩn đô thị. Tại các khu vực nội thành có thể xem xét các khu đất di dời nhà máy, cơ quan, xí nghiệp... để cải tạo thành công viên. Tại các khu vực xa trung tâm hơn có thể tận dụng quỹ đất, thậm chí thu hồi dự án chậm tiến độ để xây dựng các tiện ích công cộng.

cong vien ha noi anh 2

Một dự án công viên chậm tiến độ ở Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo.

Nên rà soát tiến độ các dự án

Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường nhấn mạnh cần sớm có một cơ chế giám sát tiến độ xây dựng các công viên. Với những công viên đã gần hoàn thành cần sớm đưa vào sử dụng, với các công viên đã chậm triển khai cần sớm hoàn thành các thủ tục để khởi công.

Với một số công viên đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng do khó khăn về nghiệm thu, bàn giao, ông Cường cho rằng các bên cần ngồi lại với nhau để thống nhất và bàn bạc. Ông ấy ví dụ tại công viên Thiên Văn Học (khu đô thị Nam Cường), dự án đã xây dựng xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

"Sai quy hoạch thì đó là vấn đề nan giải, nhưng sai quy hoạch cũng có thể tốt hoặc không tốt. Chủ đầu tư làm hồ to hơn có thể mang lại lợi ích tốt hơn. Tuy nhiên, quy hoạch là cân đối và hài hòa, cần được các cơ quan chức năng thẩm tra đánh giá. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần ngồi lại xem xét việc thay đổi có ảnh hưởng các cấn đối chung hay không, nếu không thì ta có thể quyết định để điều chỉnh", ông Cường nói.

Đồng tình, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ và dồn lực hoàn thành nhanh các dự án công viên - hồ điều hòa. Nếu dự án nào đang triển khai thì cần xử lý nhanh các vướng mắc, sớm đưa vào sử dụng. Dự án nào đã có trong quy hoạch thì sớm thu xếp nguồn vốn, ưu tiên triển khai. Từ đó, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố xanh hơn, nhiều tiện ích hơn cho người dân.

Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng xong 9 công viên mới với tổng diện tích hơn 320 ha, song những dự án này đều đang chậm tiến độ. Có thể kể đến các dự án như Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội (hơn 10 ha), Công viên hồ điều hòa CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm (27,7 ha), Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9 ha), Công viên Kim Quy (100 ha), Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (98 ha)...

Riêng dự án Công viên thiên văn học (khu đô thị Dương Nội ở quận Hà Đông) rộng gần 12 ha đã cơ bản đã hoàn thiện, nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao để hoạt động do còn vướng mắc về các chỉ tiêu quy hoạch, thủ tục giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng. Theo quyết định 33/QĐ-UBND tỉnh Hà Tây (cũ), ngày 7/01/2008, công viên Thiên văn học thuộc hạng mục công trình xây dựng bằng vốn chủ đầu tư được chuyển giao không bồi hoàn.

Theo Quyết định 1955 ngày 2/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Dự án Khu đô thị mới Dương Nội, Công viên Thiên Văn học bao gồm các hạng mục cây xanh và mặt nước, tổng diện tích gần 12 ha là công trình xã hội, phi lợi nhuận, công trình phục vụ mục đích cộng đồng.

Khi triển khai xây dựng, công trình không thay đổi về tổng diện tích và mục đích sử dụng, nhưng chủ đầu tư đã tăng diện tích mặt nước, bổ sung thêm cảnh quan giải trí tạo điểm nhấn cho khu đô thị. Việc điều chỉnh giảm diện tích cây xanh, tăng diện tích mặt nước vẫn đảm bảo tổng diện tích xây dựng công việc và được cơ quan chuyên môn xác nhận là phù hợp với quy hoạch chung của ô đất chức năng công viên cây xanh.

Hà Nội xem xét cho công viên Thiên Văn Học hoạt động

Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết dù việc xây dựng công viên Thiên Văn Học là không phù hợp với quy hoạch, thành phố vẫn xem xét cho dự án này vận hành thay vì phá dỡ.

Trần Nguyễn

Bạn có thể quan tâm