Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 4/1. Đây là một trong 4 nội dung quan trọng, cấp bách được xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Tung tiền ra nhiều nhưng phải "cầm cân" được
Tại tổ thảo luận số 2 với gần 20 đại biểu Quốc hội của 6 đoàn (TP.HCM, Cao Bằng, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long, Hải Dương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chia sẻ một số băn khoăn và góp ý cho các chính sách phục hồi kinh tế.
Mức tăng trưởng kinh tế 2,58% trong năm 2021, theo Chủ tịch nước, là sự cố gắng lớn, dù con số này thấp nhất 10 năm qua. Ông cũng cho rằng con số này so với mục tiêu tăng trưởng đề ra 6,5-7% còn khoảng cách lớn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 4/1. Ảnh: Hồng Phong. |
Trong bối cảnh dịch phức tạp, Chủ tịch nước khái quát một số điểm sáng như nông nghiệp tăng trưởng cao và là nền tảng quan trọng của nền kinh tế; kim ngạch hai chiều đạt trên 660 tỷ - là một trong 20 nền kinh tế có kim ngạch 2 chiều lớn nhất.
Bên cạnh đó, dù GDP tăng trưởng thấp, thu ngân sách lại đạt kết quả đáng mừng, vì theo ông, “có thực mới vực được đạo”.
Nhấn mạnh hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này, Chủ tịch nước dẫn chứng nhiều nước rất mạnh tay chi ngân sách cho phục hồi kinh tế.
Với Việt Nam, ông cho rằng khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát vì không còn cách nào khác.
“Mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Anh tung tiền ra nhiều nhưng phải tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhìn nhận gói hỗ trợ tài khóa so với các nước còn rất nhỏ, Chủ tịch nước cho rằng gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết, không cần quá lo lạm phát mà không thực hiện hỗ trợ.
Trong gói này, người đứng đầu Nhà nước lưu ý ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém.
Bên cạnh đó, ông gợi mở cần có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam, chấm dứt tình trạng “vừa rải thảm, vừa rải đinh”.
Tính toán để lạm phát trong tầm kiểm soát
Chung góc nhìn với Chủ tịch nước khi ban hành gói hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cho rằng Chính phủ cần tính toán cụ thể để cân đối vĩ mô, tính toán lạm phát và nợ xấu.
Ngoài ra, ông cảnh báo thực tế trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, lượng tiền đầu tư cho chứng khoán, bất động sản gia tăng khủng khiếp, vượt quá dự đoán và khả năng kiểm soát.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cũng góp ý cần tính toán đến vấn đề lạm phát và để lạm phát trong tầm kiểm soát. “Khi đẩy mạnh đầu tư công, tất yếu lạm phát sẽ dịch chuyển nhưng báo cáo của Chính phủ không nêu rõ sự lạm phát có thể dịch chuyển ở mức độ nào, không đưa ra được dự báo lạm phát”, ông đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nội dung này.
Thống nhất quan điểm tăng đầu tư cho y tế, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng đây là nội dung rất lớn, cần được rà soát từng đối tượng vì trong công tác phòng chống dịch vừa rồi xảy ra nhiều vấn đề vượt qua cả hành lang pháp lý và các cơ quan chức năng đã phải xử lý.