Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dành toàn bộ thời gian chia sẻ vấn đề bảo hiểm nhân thọ thời gian qua.
Theo đại biểu, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại.
"Nhiều người vội vã kiểm tra hợp đồng và không khỏi hoang mang. Nhiều người mang hợp đồng bảo hiểm đến công ty tìm hiểu thì nhận ra hoàn toàn khác so với tư vấn lúc đầu. Nhiều người có dự định mua bảo hiểm cũng tạm gác lại", đại biểu nói.
Nhiều tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ
Theo đại biểu này, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.
Về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nữ đại biểu cho biết hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng 70-100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành, mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm.
"Nhiều chuyên gia cũng chỉ hiểu 70% trong hợp đồng. Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp", đại biểu dẫn thực trạng.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài và gây khó hiểu. Ảnh: H.T. |
Về đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh đây là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm mạo hiểm.
Theo quy định của Bộ Tài chính, tỷ lệ hoa hồng tư vấn viên hưởng tới 40% trong năm đầu tiên. Chẳng hạn, khách hàng đóng 100 triệu/năm và ngay khi khách đóng tiền thì tư vấn được hưởng 30-40 triệu.
"Người dân đã lầm tưởng đang tham gia đầu tư sinh lời lãi cao song thực tế không như lời tư vấn. Chính công ty mang tiền khách hàng đi đầu tư cũng không chắc chắn sẽ sinh lời. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi…", đại biểu nói và chỉ rõ đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn.
Cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ
Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo đại biểu, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua có phát sinh nhiều vấn đề. Trong năm 2022, phát hiện 3.100 công ty bảo hiểm có sai phạm.
"Dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng", đại biểu nói.
Đại biểu đánh giá khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình.
"Tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, chỉ chiếm 11% dân số, thì cần có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm", đại biểu nhấn mạnh.
Bộ Công an cần xem xét các đơn khiếu nại và xác minh làm rõ có hay không tội lừa đảo, lừa dối khách hàng.
Theo đó, nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung sản phẩm liên kết đầu tư. Đồng thời kiến nghị Bộ Công an xem xét các đơn khiếu nại và xác minh làm rõ có hay không tội lừa đảo, lừa dối khách hàng.
"Kiến nghị các công ty bảo hiểm rà soát lại các khâu của quá trình bảo hiểm về thiết kế hợp đồng, tư vấn bảo hiểm và ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng", đại biểu đề xuất.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.