Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước không can thiệp quá sâu giá xăng

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần hạn chế nhất trường hợp Nhà nước can thiệp vào giá cả. Điển hình như giá xăng đang không đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.

Vấn đề kiểm soát giá, điều hành giá, bình ổn giá... được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến trong buổi thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) vào chiều 11/11. Vấn đề có nên bình ổn giá xăng, nên giữ quỹ bình ổn giá, trách nhiệm thẩm định giá... còn nhiều ý kiến tranh luận.

Hài hòa lợi ích các bên

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng khi xây dựng Luật Giá cần phải tính toán và lưu ý rất kỹ vào các biện pháp Nhà nước can thiếp vào giá, nhất là trong việc định giá và bình ổn giá. Đại biểu nhấn mạnh cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

"Chúng ta đang bình ổn giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là xăng dầu. Bình ổn giá là can thiệp vào thị trường, nên tôi cho rằng chỉ vài trường hợp nhất định mới thực hiện quyền năng này. Phải thực sự phù hợp với thị trường", ông nói.

thao luan luat gia anh 1

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu lấy ví dụ việc bình ổn giá xăng nhắm đến mục tiêu giúp thị trường ổn định. Tuy nhiên, giá xăng hiện tại đang không làm cho các doanh nghiệp phân phối mặn mà kinh doanh bởi càng bán càng lỗ. Như vậy, lợi ích của doanh nghiệp đã không hài hòa. Ông đề nghị cần xác định hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh cho rằng quỹ bình ổn giá đã giúp cho giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy việc vận hành còn có những hạn chế.

Ông cho rằng chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, không lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, cần công khai minh bạch việc sử dụng quỹ bình ổn giá, kèm theo đó là kiểm soát nguồn cung cầu.

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc là giảm quá mạnh", ông nói.

Xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn. Do đó, nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá.

Quỹ bình ổn xăng dầu cần thay đổi bằng các công cụ điều tiết giá hiệu quả hơn

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa)

Trong điều kiện hiện nay thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu còn khó khăn. Vì vậy, trước mắt, đại biểu Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh chỉ lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi.

Ngược lại, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu cần thay đổi bằng các công cụ điều tiết giá hiệu quả hơn. "Phải để giá cả vận hành theo quy luật thị trường. Vì vậy, việc quy định quỹ bình ổn giá là một điều luật riêng là không phù hợp", ông nói.

Về thẩm định giá, ông Thịnh nhấn mạnh thị trường thẩm định giá phát triển nóng về số lượng. Không ít thẩm định viên và công ty thẩm định giá vi phạm, gian lận với khách hàng, thổi giá cao bất thường. Đại biểu nhấn mạnh cần siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá.

Quy định chặt chẽ việc định giá


Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng rất nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực vì xác định giá không đúng. Hiện tại, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, không dám định giá tài sản cho khu vực công khi mua và bán. Ông dẫn ví dụ sau thời gian định giá, thị trường thay đổi giá, khi thanh tra kiểm tra rất dễ rơi vào vòng lao lý.

"Điều này dẫn đến tình trạng bệnh viện không mua sắm thuốc được. Nhiều dự án công không giao cho khu vực tư được như các dự án bất động sản, vì các cơ quan e ngại không biết giá định giá giao thế nào là phải. Khi giá thay đổi, cơ quan điều tra giám sát vào thì họ có bị truy tố hay không", ông Cường nêu lên thực trạng này.

thao luan luat gia anh 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng.

Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hiện tại chưa có quy định chặt chẽ cụ thể các căn cứ và phương pháp định giá hàng hóa. Khi chưa có căn cứ chặt chẽ thì rất có thể khi định giá, một số cá nhân và tổ chức sẽ tìm các căn cứ có lợi cho định giá. Thậm chí chính cơ quan Nhà nước không có tư lợi, nhưng cơ quan điều tra lại tìm ra chứng cứ về việc định giá sai của những người thực hiện chức năng định giá và quyết định giá.

Cần có có quy định cụ thể về việc định giá và bảo vệ người định giá

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Ông đề xuất cần có có quy định cụ thể về việc định giá và bảo vệ người định giá, nói cách khác là làm kín khoảng trống pháp luật thế nào là xác định giá có căn cứ và cơ sở. Muốn nhưu vậy phải có phương pháp, có căn cứ khoa học về định giá. Ông nhấn mạnh thế giới đã sử dụng rất phổ biến các nguyên tắc định giá và sử dụng phổ biến, "bất di bất dịch".

"Tôi cho rằng chúng ta cần một đưa riêng một điều luật về căn cứ, phương pháp định giá. Khi đó, những người có chức năng, nhiệm vụ sẽ có căn cứ để làm tốt công việc và bảo vệ chính mình", ông nói.

HIện tại, trong Điều 24 của dự thảo Luật Giá quy định phương pháp và căn cứ giao cho Bộ Tài chính văn bản hướng dẫn. Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh như vậy chưa có cơ sở pháp luật để ngăn chặn gian lận và bảo vệ cán bộ.

Ông nhấn mạnh muốn xác định giá cả đúng cần có cơ sở dữ liệu đầu vào. Việc kê khai giá là rất quan trọng cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Không nên kê khai giá giới hạn với một số mặt hàng hóa, mà tất cả các loại hàng hóa đưa vào lưu thông phải kê khai giá.

"Các doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm và thị trường; các doanh nghiệp lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa về phải kê khai giá. Khi đó, hàng hóa vận động trên thị trường thì có thể thấy mỗi một khâu giá sẽ biến động thế nào. Các cơ quan thuế cũng có thể quản lý. Quản lý chuyển giá cũng có thể thực hiện được kê khai giá", ông nói.

Đại biểu Quốc hội: Điều hành giá xăng theo ngày là 'tham vọng'

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều hành giá xăng theo ngày là "tham vọng", khó thực hiện bởi điều hành giá mặt hàng này còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn, sự điều tiết của Nhà nước.


Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm