Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội đề nghị dân sự hóa Trường Sa

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị, cần tổ chức tour du lịch cho người dân ra Trường Sa, cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngư dân cũng như kéo dài đường băng ở Trường Sa lớn.


Đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Anh Tuấn.
Đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Anh Tuấn.

Phát biểu trước Quốc hội sáng nay, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, phải chú trọng đẩy mạnh kinh tế biển bởi chúng ta nói nhiều nhưng chưa thực hiện.

"Chúng ta cần mạnh dạn dân sự hóa toàn bộ quần đảo Trường Sa. Xây ô tàu cho ngư dân trú biển ở các đảo lớn: Song Tử Tây, Đảo Đá Nam... Cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngư dân, không cần ra vào đất liền. Cung cấp nước, xăng dầu, thu mua cá cho ngư dân tại đảo", ông Tùng đề xuất.

Ngoài ra, theo ông, nên tổ chức du lịch cho nhân dân bởi họ khao khát được ra Trường Sa. "Phải mạnh dạn tổ chức du lịch, bằng hàng không, đường biển. Đầu tư xây dựng khách sạn trên các rặng san hô, đưa người dân đến đó tham quan", ông nêu quan điểm.

Rồi ông mong mỏi, cần dân sự hóa một cách đồng bộ, đưa người dân đến nuôi trồng thủy sản ở đó. Nên xây kéo dài đường băng ở Trường Sa lớn, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, người dân đi lại thuận tiện.

Ông Tùng cho hay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ lớn về hội nhập nhưng cũng là thách thức rất lớn. 

"Chúng ta cần nắm bắt thời cơ đưa kinh tế Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc, thoát bẫy thu nhập trung bình, không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào, nền kinh tế nào", ông Tùng nói.

Về giải pháp, đại biểu này đề xuất cần ưu tiên xử lý năng suất lao động. Tháng 10 vừa qua, Bộ KHĐT trình bày nếu Việt Nam duy trì năng suất lao động bình quân này thì năm 2038 mới bắt kịp Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan.

Ông Tùng phân tích, năng suất lao động không phụ thuộc hoàn toàn vào người lao động. Năng suất quan trọng nhất là công nghệ sản xuất, máy móc. Hai là do thể chế kinh tế, luật pháp có thông thoáng. Ba là khả năng điều hành đã tốt hay chưa. Bốn là tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế.

Chúng ta cứ lạm dụng nhân công giá rẻ, nhập công nghệ lạc hậu thì làm sao nâng cao năng suất.

"Tôi kiến nghị Chính phủ từ nay không nhập công nghệ thấp vào Việt Nam. Mình cứ thấy công nghệ rẻ của Trung Quốc cộng với nhân công rẻ của Việt Nam là cạnh tranh được rồi là chết, hại cho đất nước trong những năm tới", ông Tùng nhấn mạnh.

Phương Loan

Bạn có thể quan tâm