Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu gần như không thể phát huy nhiều giá trị trong thực tế, vấn đề quan trọng hơn là phải đảm bảo nguồn cung.

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật giá sửa đổi, Luật đấu thầu sửa đổi và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

Vấn đề thiếu xăng dầu và có nên giữ lại quỹ bình ổn xăng dầu được nhiều đại biểu thảo luận. Một số đề nghị bỏ quỹ này đi trong dài hạn.

Ý kiến trái chiều về bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng nếu xác định quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ cần thiết giữ, phải có chế định riêng cho quỹ này. Muộn vậy thì cần phải có đánh giá rất kỹ lưỡng.

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ quỹ này đi. Bởi thực chất quỹ này không phản ánh tính chất bình ổn như các loại bình ổn thông thường. Có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá tăng lại lại phải trích. Khi đó không có tác động đến giá xăng dầu", đại biểu nói.

thao luan luat gia anh 1

Một số đại biểu cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu là không cần thiết, trong dài hạn cần bỏ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Xuân An, xăng dầu là loại hàng đặc biệt nên phải có chế định đặc biệt để quản lý nhưng không thể can thiệp bằng cách phi thị trường. Cơ quan hữu quan có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí còn quỹ này đi thu của người tiêu dùng, giao cho doanh nghiệp quản lý. Đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, không nhất thiết phải giữ.

Ngược lại, Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng quỹ bình ổn là công cụ để giá không lên cao rồi vút xuống kịch sàn, biên độ tăng giảm hẹp thì không kéo theo giá các mặt hàng khác. Nếu cứ thả nổi giá lên xuống có thể gây tác động rất lớn, gây nguy cơ đứt gãy sản xuất.

"Quỹ là công cụ hiệu quả, tuy nhiên lúc giá cao quá hay thấp quá thì phải dùng công cụ mạnh hơn là thuế và phí. Tiếp tục duy trì là cần, hiện chưa có công cụ khác để thay thế quỹ", ông nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc thì nhấn mạnh cần đạt được mục tiêu kép khi đưa ra một số mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá. Ông nhấn mạnh, việc quy định giá chỉ là một phần, còn việc đảm bảo nguồn cung cho mặt hàng đó mới là ưu tiên hàng đầu. Đại biểu lấy ví dụ mặt hàng xăng dầu và dược phẩm trong thời gian qua dù Nhà nước có quy định mức giá, nhưng vẫn thiếu nguồn cung trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

"Chúng ta cần lưu ý đảm bảo nguồn cung cho người dân chứ không phải chỉ là giá. Nói cách khác là cần phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép trong vấn đề này", ông nói.

Cần quy định rõ về đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu

Bàn về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) cho rằng việc lựa chọn hình thức đấu thầu cần lưu ý đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Ông nhấn mạnh cần quy định chặt chẽ từ luật, hạn chế những tiêu cực phát sinh sau này.

"Đề nghị quy định rõ khi nào thì cần đấu thầu hạn chế, phải rõ từ ngữ. Tốt nhất là nên đấu thầu rộng rãi. Chính phủ cũng cần giải trình khi nào là trường hợp cấp bách chỉ định thầu. Tôi nghĩ chúng ta luôn lập kế hoạch từ rất sớm, kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng bàn sớm, vậy mà quá nhiều dự án chỉ định thầu thì không đúng tinh thần khi xây dựng luật này", ông nói.

thao luan luat gia anh 2

Đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội). Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng mục tiêu đấu thầu hay đấu giá trong lĩnh vực đất đai không phải là Nhà nước thu được nhiều tiền nhất, mà là thực hiện thành công việc đấu thầu và đấu giá, có mức giá hợp lý nhất. Ông lấy ví dụ khi giá đất được đẩy lên sau cuộc đấu giá ở Thủ Thiêm (TP.HCM) gây áp lực tới thị trường, làm nhiễu loạn thị trường. Khi giá đất bị đẩy lên quá cao so với trình độ của nền kinh tế khiến cho chi phí mặt bằng chịu ảnh hưởng quá lớn, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

"Phải có quy định giá trần hay một cách gì đó trong cuộc đấu giá. Nếu phát hiện có biểu hiện thổi giá thông qua cuộc đấu giá, cần phải dừng phiên đấu giá lại. Phải có quy định giá trần chứ không phải giá sàn, phải có biện pháp kiểm soát", ông nói và cho rằng cần hướng tới việc kiểm soát giá đất ở Việt Nam, để người dân dễ dàng sở hữu nhà, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn khi bàn về dự thảo Luật đấu thầu thì cho rằng có một vấn đề cần bổ sung đó là quy định về đấu thầu các dự án điện ảnh, văn hóa nghệ thuật theo cơ chế đặt hàng. Ông cho biết theo Luật điện ảnh, rất khó khăn cho việc đặt hàng phim và đấu thầu phim, liên quan đến văn hóa nghệ thuật, vì liên quan đến quyền tác giả.

"Một tác giả đi từ đầu đến cuối của dự án, không phải một tác giả này tham gia khâu này, xong để một tác giả khác", ông nói.

Do đó, đại biểu đề xuất Luật đấu thầu phải tháo gỡ điều này, giải quyết câu chuyện Nhà nước đặt hàng. Nếu không giải quyết thì việc đặt hàng không thực hiện được, khiến công chúng thiếu đi phần nào các món ăn tinh thần. Ông đề xuất với một số hoạt động chỉ định thầu, thêm hoạt động sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Hoài Thu - Trần Nguyễn

Bạn có thể quan tâm