Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội cảnh báo 'trào lưu' đề xuất cơ chế đặc thù

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nhiều tỉnh đang đi theo con đường xin cơ chế đặc thù, cho thấy quy định chung có vấn đề.

Đầu tư công cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ là 2 vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 6/1.

Tránh trào lưu cơ chế đặc thù

Bình luận về cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, ông cảnh báo "trào lưu" xin cơ chế đặc thù của các tỉnh.

Luật sư Nghĩa nhìn nhận việc một địa phương xin thí điểm cơ chế là để rút kinh nghiệm và áp dụng chung cho cả nước. Còn nếu làm như hiện nay, sắp tới sẽ có 10-15 tỉnh kiến nghị đặc thù bởi 63 tỉnh "không tỉnh nào giống tỉnh nào".

Như vậy, vấn đề là chính sách chung chưa hợp lý nên mới phát sinh việc các tỉnh mới phải xin cơ chế đặc thù.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Thu Hằng.

Riêng Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị đặc biệt về quy mô dân số, vai trò... Nhiều quốc gia cũng quản lý đô thị theo cách đặc thù như vậy, song điều này không đồng nghĩa với việc các tỉnh đều có cơ chế đặc thù.

"Chính phủ cần nghiên cứu sâu sắc, mau chóng tổng kết. Cái gì áp dụng chung được thì nên làm để địa phương không phải đi theo con đường cơ chế đặc thù nữa", đại biểu Nghĩa nói.

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất thí điểm 6 cơ chế đặc thù để phát triển TP Cần Thơ như: Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, phân cấp thẩm quyền quyết định về phí, lệ phí, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng...

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Hiện, TP.HCM, Đà Nẵng đang đề xuất thêm nhiều cơ chế đặc thù để phát triển.

Cần kiểm điểm lại quá trình thực hiện cao tốc Bắc - Nam

Nêu quan điểm về việc đầu tư công để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ trước hết phải rà soát, kiểm điểm xem vì sao các dự án PPP ít được nhà đầu tư hưởng ứng. Trong khi thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có vốn nhàn, thể hiện gần nhất ở vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

Ông đánh giá nguyên nhân là văn bản dưới luật, cách tổ chức thực hiện dự án PPP chưa bảo vệ được nhà đầu tư. Khi có khủng hoảng xảy ra, ví dụ vụ thu phí tại BOT Cai Lậy, chính quyền xử lý khủng hoảng không tốt, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

"Người ta không mặn mà với PPP do quản lý của Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương", ông nhận định và cho rằng cần rút ra bài học.

Theo đại biểu, phương thức PPP là tiến bộ và được Việt Nam học từ các nước, bởi lẽ không quốc gia nào đủ vốn đề đầu tư công 100% dự án hạ tầng. Thu hút PPP không chỉ giải quyết vấn đề thiếu vốn, mà còn nâng cao hiệu quả, chất lượng dự án khi có sự tham gia của tư nhân.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Thu Hằng.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng vẫn cần rút kinh nghiệm cơ chế PPP sao cho đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư để trong điều kiện vốn khó khăn, Chính phủ có thêm nguồn lực phát triển, phục vụ tốt nhất cho người dân.

"Mình muốn dùng tiền của người ta để thực hiện dự án, nhưng lại sợ người ta có lời nhiều. Phải chấp nhận doanh nghiệp có lời mới đầu tư và cũng phải một thời gian dài họ mới có thể thu lời trong khi Nhà nước, người dân đã hưởng lợi ngay từ khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động", bà Tuyết phân tích.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam, bà chỉ ra thêm Chính phủ dự kiến đầu tư công, sau đó nhượng quyền thu phí; tuy nhiên, quy định về nhượng quyền thu phí chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Đại biểu đặt vấn đề Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật trước khi đề xuất phương án thu hồi vốn.

Nói thêm về việc này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảnh báo rủi ro từ nhượng quyền thu phí sau khi xảy ra hậu quả nhãn tiền trong vụ sai phạm tại đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Nếu đấu giá việc chuyển nhượng quyền thu phí, luật sư dự báo 2 khả năng. Thứ nhất là đấu giá không đơn giản bởi nhà đầu tư phải thấy có lợi mới "nhảy vào". Thứ hai là trong quá trình 15-20 năm nhà đầu tư thu phí, đóng tiền cho Nhà nước thì có được Nhà nước bảo đảm quyền lợi hay không.

Nếu đầu tư cao tốc Bắc - Nam bằng PPP, khả năng thành công không cao

Từ thực tế triển khai các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Chính phủ nhận định nếu tiếp tục triển khai dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công không cao.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm