Chiều 23/2, thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, một số nội dung chưa được đề cập tới. Đơn cử, hoạt động giám sát đã có sự chuẩn bị năm này cho năm sau, tạo sự chủ động cho cả cơ quan giám sát lẫn chịu giám sát.
Việc báo cáo giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện tốt, nêu được nhiều vấn đề để Chính phủ, Bộ, ngành khắc phục.
Hoạt động Quốc hội được cải tiến khi tổ chức được truyền hình trực tuyến từ Ủy ban Thường vụ đến các đoàn đại biểu địa phương, tăng thời lượng truyền hình trực tiếp ở các phiên họp quan trọng. Thông qua đó, người dân nắm, hiểu và tin tưởng hơn vào hoạt động của Quốc hội. Ông Sơn đề nghị mở rộng việc truyền hình trực tiếp, nhất là khi đã có kênh truyền hình riêng.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: Quochoi. |
Có đại biểu thiếu trung thực, vi phạm pháp luật
Nhắc đến việc miễn nhiệm hai đại biểu trong nhiệm kỳ, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, đây là điều cần rút kinh nghiệm để khóa tới hoạt động tốt hơn.
"Hai đại biểu là nữ, thuộc khối doanh nghiệp. Đầu vào không chặt chẽ nên buộc phải xử lý", ông Sơn nói.
Hai nữ đại biểu mà ông Huỳnh Ngọc Sơn nhắc đến là các bà Đặng Thị Hoàng Yến và Châu Thị Thu Nga. Trong đó bà Châu Thị Thu Nga là một trong 4 đại biểu tự ứng cử. Cả hai đã bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu. Riêng bà Nga còn vướng vào vòng lao lý.
Liên quan tới từng cá nhân đại biểu, trong dự thảo báo cáo dự thảo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội nêu nhận xét: "Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước".
Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương kiêm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị xem xét lại đánh giá này.
“Tôi không biết chỉ vào ai. Có đại biểu vi phạm pháp luật thì đúng rồi, còn theo tôi cần sửa lại là có đại biểu phát ngôn thiếu trung thực, phát ngôn chưa đúng mực. Anh Phúc (Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội) chỉ ra ai thiếu trung thực, chứ tôi không dám chỉ”, bà Mai nói.
Lấy phiếu tín nhiệm là dấu mốc lịch sử
"Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn", Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói trong phần trình bày báo cáo dự thảo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII.
Theo đó, việc lấy phiếu đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, toàn bộ quy trình lấy phiếu được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và người dân cả nước theo dõi, giám sát. Với trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin, thảo luận, đánh giá khách quan, công tâm mức độ tín nhiệm của các vị được Quốc hội lấy phiếu.
“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh chân thực tình hình thực tế, là nguồn thông tin, đánh giá để giúp cho từng vị được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác”, ông Phúc nói.
Cũng trong dự thảo báo cáo, Ban tổng kết nhiệm kỳ đã nêu ra nhiều ưu, khuyết; thành tựu và tồn tại trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ở lĩnh vực giám sát, dù có nhiều cải tiến, đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hoạt động này của Quốc hội vẫn còn hạn chế, bất cập như: trong một số kết quả giám sát chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên, chưa kiến nghị các biện pháp xử lý thích hợp nên hiệu quả chưa cao. Nội dung một số báo cáo giám sát chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan quản lý, thi hành luật. Các giải pháp, kiến nghị, đề xuất còn thiếu cụ thể, khả thi trong khi việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa như mong muốn.
Ở nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội, trong một số trường hợp chất lượng chưa cao; việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa bảo đảm sát thực tế.
Nguyên nhân của các hạn chế trên là do bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, công tác dự báo còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, đại biểu chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu, chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện để phân tích trước khi biểu quyết...