Ngày 3/6, Quốc hội nghe tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Sau khi lấy ý kiến của các đại biểu, Quốc hội thống nhất sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đoàn giám sát còn “xe hơn chục chiếc, còi hụ”
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh, đồng tình với chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Song, ông Hồng góp ý thêm về tổ chức thực hiện trong hoạt động này.
Theo đó, Quốc hội cần nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh tình trạng có quá nhiều đoàn giám sát xuống địa phương, tạo sự chồng chéo.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bình Dương. Ảnh: Minh Quân. |
“Khi chúng tôi làm việc với Hà Nội giám sát về phòng cháy chữa cháy thì cùng một lúc có tới 3-4 đoàn xuống”, ông Hồng dẫn chứng và cho rằng nên có sự điều phối tốt hơn giữa các ủy ban của Quốc hội.
Nhấn mạnh tinh thần tiết kiệm, vị đại biểu tỉnh Bình Dương góp ý các đoàn giám sát của Quốc hội nên đi với tinh thần gọn nhẹ, đủ thành phần.
“Thực tế vẫn còn có đoàn giám sát quy mô rất lớn, xe hơn chục chiếc chạy kèm còi hụ”, ông Hồng nói.
Giám sát tối cao vẫn chủ yếu “nghe báo cáo”
Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động của báo chí, đặc biệt là vấn đề quyền tác nghiệp của phóng viên.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: Minh Quân. |
Ông nêu thực tế có không ít nơi còn ngăn cản, né tránh sự điều trần của báo chí. Cá biệt, có nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên. Có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Trong hoạt động quản lý báo chí, có trường hợp gỡ bài không rõ lý do.
“Báo chí đưa tin rất trung thực về kỳ họp Quốc hội nhưng có bài đưa tin một vài tiếng sau bị gỡ. Không biết có vi phạm điều ngăn cấm không?”, ông Vân đặt câu hỏi.
Góp ý về phương thức và hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng còn có bất cập. Việc thâm nhập hiện trường, đối tượng tác động của chính sách pháp luật còn hạn chế.
“Tôi đã tham gia một số đoàn giám sát của Quốc hội và thấy chúng ta cơ bản vẫn là nghe báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát thay vì phải đi hiện trường để kiểm tra việc thực thi chính sách pháp luật trên thực tiễn, để so sánh giữa pháp luật với cuộc sống có độ vênh như thế nào, vi phạm ra sao”, ông Vân nêu thực tế.
Bên cạnh đó, công cụ hỗ trợ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội còn “khiêm tốn”. Việc huy động các chuyên gia, các phương tiện, thậm chí trưng cầu giám định để làm rõ các vấn đề nghi vấn của đại biểu Quốc hội đưa ra còn yếu.
Vị đại biểu này lấy ví dụ, khi xem xét tác động của chính sách pháp luật với đất đai đô thị, các thành viên đoàn giám sát chỉ tiếp cận báo cáo. Những vấn đề chuyên sâu trong đánh giá về khung giá đất đòi hỏi phải trưng dụng chuyên gia chuyên ngành bên ngoài còn hạn chế.
Đề nghị phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhắc 3 vấn đề “nóng” cần xem xét và giám sát.
Một là việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi, sở hữu công sản của Nhà nước. Theo ông, một số cử tri cho rằng cùng với cổ phần hóa thì đây là lĩnh vực cần xem xét thận trọng vì xảy ra lãng phí và sai phạm, có khi mất nhiều nghìn tỷ của Nhà nước.
Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Minh Quân. |
Hai là việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động của các cơ quan dân cử, cần đánh giá cơ quan dân cử hoạt động đúng không, có hiệu quả không. Thứ ba, cử tri cũng phản ánh hàng loạt vấn đề về hoạt động của Bộ Công Thương, như tăng giá điện gây bức xúc.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh cần chú ý kết quả hậu giám sát. Nếu không chỉ rõ trách nhiệm thì rất khó đánh giá hiệu quả của giám sát, đặc biệt không xử lý được cá nhân liên quan.
Ông cũng đề nghị cần phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vì trong giám sát có trách nhiệm của cán bộ công chức, lãnh đạo cơ quan đảng, chính quyền địa phương.
“Kết quả giám sát chính là nguyên liệu cho cơ quan đảng xem xét trách nhiệm đảng viên của mình”, ông Nhưỡng nói.
Về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắc lại tất cả các giám sát tối cao của Quốc hội sau khi thực hiện, Quốc hội đều nghe báo cáo và ban hành nghị quyết, giao các cơ quan phối hợp thực hiện chứ không phải “giám sát xong thì bỏ đấy”.