Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu kỳ vọng sự hấp dẫn của phiên chất vấn theo sát 'lời hứa'

Nhiều đại biểu đánh giá cao về cách thức chất vấn tại kỳ họp thứ 6 khi Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ từ kỳ họp thứ 2 đến nay.

Trong 3 ngày (từ 30/10 đến 1/11), Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn thành viên Chính phủ cụ thể mà chọn bất kỳ người nào, giám sát theo các nghị quyết kể từ kỳ họp thứ hai.

Hấp dẫn bởi chưa biết bộ trưởng nào sẽ bị chất vấn

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng phương thức chất vấn căn cứ vào nghị quyết (tức là theo sát "lời hứa" của các thành viên Chính phủ) rất hay bởi một lĩnh vực thường không phải của chỉ một bộ, ngành.

"Làm như thế sẽ giám sát được cả những lần trước. Nhiều vấn đề của cử tri, đại biểu Quốc hội đặt ra, các tư lệnh ngành đã giải quyết như thế nào”, ông Sinh nói.

chat van va tra loi chat van anh 1
Quốc hội sẽ dành 3 ngày dành cho chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Ngọc Duy.

Với việc chất vấn một cách tổng thể từ đầu nhiệm kỳ, ông Sinh nhận định một số vấn đề các bộ, ngành giải quyết được nhưng cũng có vấn đề không phải một sớm một chiều đã xong. Ví dụ giải quyết công ăn việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Hiện có khoảng 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm mỗi năm.

"Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục đào tạo, vẫn thất nghiệp? Chúng ta phải cải cách từ gốc như chương trình giáo dục đào tạo, định hướng nghề nghiệp, phân luồng ngay từ đào tạo nghề", ông nói.

Với cách thức tổ chức và diện chất vấn rộng hơn, sự tranh luận giữa người chất vấn và người bị chất vấn sẽ rất cao. Điều này sẽ nâng được trình độ về kiến thức và nội dung đưa ra thảo luận.

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng tính hấp dẫn của phiên chất vấn là chưa biết bộ trưởng nào sẽ được đặt câu hỏi.

“Tôi quan sát hầu hết bộ trưởng đã chuẩn bị tài liệu khá kỹ. Tất nhiên, Thủ tướng sẽ phân công các bộ trưởng tham gia trả lời sao cho toàn vẹn và hết ý của đại biểu”, ông chia sẻ.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vui mừng khi Quốc hội dành thời gian tới 3 ngày. Điều này giúp không gây căng thẳng và áp lực thời gian với các thành viên Chính phủ. Đổi lại, các bộ trưởng lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng.

Y tế, giáo dục và giao thông được quan tâm

Nhiều đại biểu chia sẻ mối quan tâm tới chủ đề giáo dục. Theo họ, đây là vấn đề dụng chạm toàn xã hội. “Quốc hội đang xem xét 2 dự luật đến giáo dục. Trong đó Luật Giáo dục sẽ để lại chưa thông qua vì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, Quốc hội cho rằng phải lấy ý kiến nhân dân chứ không chỉ cử tri và đại biểu”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhìn nhận. 

Còn đại biểu Dương Minh Tuấn thì cho rằng ở góc độ tư lệnh ngành, các bộ trưởng, Chính phủ cần hết sức quan tâm hơn nữa, cân nhắc cái nào ra trước, cái nào sau, suy xét thấu đáo mỗi khi ban hành đề án.

chat van va tra loi chat van anh 2
Y tế là một trong những lĩnh vực được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn sắp tới. Ảnh: LH.

Về chuyển động từ các nội dung phiên chất vấn trước, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh vẫn còn những việc bức xúc xảy ra trong xã hội, không giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vấn đề nhờ có phản ánh của cử tri, từ chất vấn của đại biểu Quốc hội mà mang lại hiệu quả cao, điển hình như y tế hiện đã được cải thiện.

Với vấn đề giao thông, đại biểu Dương Minh Tuấn cảnh báo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từ những điểm nóng như các dự án đường cao tốc, dù động thái xử lý của Bộ trưởng tỏ ra quyết liệt.

“Tôi kỳ vọng buổi chất vấn sôi nổi, trọng tâm, chất lượng đi sâu vào vấn đề giáo dục và giao thông”, ông nói.

‘Các bộ trưởng đã thực hiện lời hứa như thế nào’

Đánh giá việc thực hiện kiến nghị cử trị của các thành viên Chính phủ, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận xét “cơ bản thực hiện tốt”. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bộ trưởng giải quyết các vấn đề, lời hứa của mình như thế nào và đã thực hiện đến đâu.

“Trong phần trả lời của thành viên Chính phủ sẽ có những cái đã xử lý, đang xử lý và chưa xử lý. Trong những cái đó cần đánh giá cho sâu, và giải quyết đến đâu, đã dứt điểm, thấu đáo chưa. Đối với vấn đề đại biểu quan tâm, các bộ ngành đã xử lý, có lúc chậm trễ, đại biểu phải lên tiếng để tích cực hơn”, ông nói.

chat van va tra loi chat van anh 3
Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ ở họp này. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đó, trong báo cáo gửi tới Quốc hội vào ngày khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Về giáo dục, nhiều ý kiến cử tri phản ánh việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học. Các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương.

Cử tri cũng bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”. An ninh, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp: trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo tợn; một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội 6 nhóm vấn đề

Gian lận thi cử, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa... là ba trong số nhiều vấn đề "nóng" được Quốc hội và xã hội quan tâm.

Thắng Quang - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm