Hai lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây (2013, 2014), khối lập pháp có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” áp đảo so với khối hành pháp. Bộ trưởng khối xã hội dẫn đầu phiếu "tín nhiệm thấp".
Ngày 24/10, Quốc hội khóa XIV sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là lần thứ ba hoạt động này được thực hiện ở nghị trường, nhưng là lần lấy tín nhiệm duy nhất với Quốc hội khóa XIV.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, bên cạnh hoạt động giám sát truyền thống như chất vấn tại nghị trường, lấy phiếu tín nhiệm một cơ chế tiên tiến, tạo ra bước đột phá nhằm phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.
Cựu đại biểu Lê Như Tiến (Thanh Hóa) cho rằng cũng như chất vấn trên nghị trường, những lá phiếu như là lời nhắc nhở thậm chí là răn đe các bộ trưởng, trưởng ngành cần hành động quyết liệt hơn, tạo ra sự chuyển biến thực sự.
Danh sách lấy tín nhiệm bao gồm 50 vị trí thuộc khối Nhà nước, khối Quốc hội, khối Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Đây là những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước, được Quốc hội phê chuẩn.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu và các mức độ lựa chọn: “Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm", "Tín nhiệm thấp”.
Quy luật trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm: Thành viên khối lập pháp có tỷ lệ số phiếu “Tín nhiệm cao” áp đảo so với khối hành pháp.
Trong 10 người có tỷ lệ “Tín nhiệm cao” cao nhất ở lần lấy phiếu năm 2013, chỉ có nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh là thành viên Chính phủ, còn lại là thuộc Quốc hội. Trong khi đó 10/10 người có nhiều phiếu “Tín nhiệm thấp” nhất là các bộ trưởng.
Bên cạnh một số cá nhân như nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hay nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có cải thiện rõ rệt về tỷ lệ “Tín nhiệm cao” trong lần lấy phiếu thứ 2, tư lệnh ngành Y tế, Giáo dục - Đào tạo và Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều “dẫn đầu” về tỷ lệ “Tín nhiệm thấp” trong cả hai lần.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sở dĩ có “quy luật” như vậy là do tính chất công việc của hai khối hành pháp và lập pháp khác nhau. Đồng thời, theo ông, tư lệnh ngành xã hội có số phiếu tín nhiệm thấp hơn đến từ nhiều nguyên nhân, đương nhiên có từ phần cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét tình hình xã hội của đất nước khi vị bộ trưởng lên nắm quyền, có vấn đề tồn đọng từ rất lâu, có vấn đề lại gai góc khó giải quyết.
“Bộ trưởng là người trực tiếp thi hành luật, có va chạm nhiều và sẽ có những sai sót. Nhưng cần nhìn xa một chút, nghĩa là phải nhìn xem người đứng đầu lĩnh vực đó có quyết liệt trong điều hành, có đưa ra được nhiều giải pháp khả thi hay không? Tiếp đó là thái độ làm việc có tích cực, trách nhiệm, có lắng nghe một cách cầu thị hay chưa? Khi đánh giá phải đánh giá năng lực điều hành công việc, hiệu quả công việc hay thái độ trách nhiệm với công việc chứ không nên chỉ nhìn thấy cái hạn chế trước mắt của người ta mà không thấy được mặt tốt, tích cực” - nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét sau khi Quốc hội công bố kết quả phiếu tín nhiệm lần đầu tiên năm 2013.
Cựu tư lệnh ngành Tư pháp kiến nghị chỉ nên lấy phiếu đối với các thành viên Chính phủ chứ không nhất thiết phải lấy phiếu cả bên Quốc hội bởi bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm là giám sát hoạt động của các lãnh đạo, cũng như chất vấn trên nghị trường vậy.
Nhận xét về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trong một bài viết cho Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 6, năm 2017, thạc sĩ Nguyễn Mai Thuyên (Đại học Luật Hà Nội) nhận định: “Phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm theo quy định hiện nay là khá rộng, dễ dẫn đến dàn trải, hình thức. Ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp khác nhau và đòi hỏi về năng lực điều hành công việc của người đứng đầu cũng khác nhau”.
Lấy phiếu tín nhiệm được xem là một công cụ giám sát có tính chế tài cao hơn các hình thức giám sát khác, bởi Quốc hội không chỉ thăm dò được mức độ tín nhiệm đối với các chức danh, đây còn là căn cứ để đi đến quyết định miễn nhiệm bằng thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”.
Qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu cho rằng chỉ nên áp dụng 2 mức: "Tín nhiệm" và "Không tín nhiệm" thay vì ba mức như hiện nay. Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Nếu chỉ lấy 2 mức ‘Tín nhiệm’ và ‘Không tín nhiệm’ thì trở thành quy trình bỏ phiếu tín nhiệm mất rồi. Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò, như một cuộc khảo sát vậy nên Quốc hội vẫn đang trong quá trình xây dựng và để ở ba mức”.
Trao đổi với Zing.vn về việc lượng hóa mức độ tín nhiệm, tiến sĩ Hải Hoàng, (chuyên gia về xác suất - thống kê, Đại học Nottingham, Anh) chia sẻ: “Đứng trên cương vị một người nghiên cứu định lượng, tôi thấy việc đặt 3 thang 'định tính' là 'Tín nhiệm cao', 'Tín nhiệm' và 'Tín nhiệm thấp' để 'định lượng’ tín nhiệm là chưa hợp lý”.
Theo cách hiểu của chuyên gia này, việc lấy phiếu tín nhiệm có mục đích đánh giá lãnh đạo có làm việc hiệu quả không, so sánh với kết quả của nhiệm kỳ trước, so sánh các lãnh đạo với nhau. Hiện nay, kết quả của một người đang gồm 3 trọng số: số phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
"Muốn so sánh cần một chỉ số dựa trên 3 mức như hiện nay”, ông Hải Hoàng nói.
Ông Hải Hoàng lấy ví dụ về tỷ lệ phiếu tín nhiệm của cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận trong năm 2014: Trọng số của ông Luận về Tín nhiệm cao - Tín nhiệm - Tín nhiệm thấp lần lượt là 27 - 42 - 31. Số phiếu “Tín nhiệm” chiếm đa số, tỷ lệ “Tín nhiệm cao” và “Tín nhiệm thấp” không chênh nhau là mấy.
"Như vậy đánh giá về mức độ tín nhiệm của ông Luận như thế nào?", ông Hoàng đặt câu hỏi.
“Nếu đã coi việc lấy phiếu tín nhiệm là một cuộc thăm dò, mức độ tín nhiệm có thể là 3 mà cũng có thể là 5. Quan trọng đánh giá phải dựa trên thang điểm để lượng hóa. Khi đó, số lượng phiếu bầu mới phản ánh đúng mức độ tín nhiệm các đại biểu dành cho các vị lãnh đạo” - tiến sĩ Hải Hoàng chia sẻ thêm.
Ngoài ra vị chuyên gia về lượng hóa cũng cho rằng mức "Tín nhiệm thấp" và "Tín nhiệm cao" về mặt ý nghĩa thống kê là khá mơ hồ. Thấp và cao tương đối cảm tính.