Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Hà Nội đề nghị giám đốc sở đọc lại luật khi trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan việc thu hồi đất dự án của doanh nghiệp, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội được đại biểu đề nghị “đọc lại Luật Đất đai”.

Sáng 9/7, HĐND Hà Nội tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 khóa XV.

Nhóm vấn đề thứ nhất được chất vấn là tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP.

“Đây là vấn đề khó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng tài nguyên đất đai của TP, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nên nhận được rất nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Thanh tra “bí mật”, thu hồi dự án mà doanh nghiệp không biết?

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Sóc Sơn) chất vấn về việc thanh tra “bí mật” mà ông tiếp nhận được qua đơn kêu cứu của một doanh nghiệp.

thu hoi du an sai pham anh 1
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Sóc Sơn). Ảnh: Sơn Hà.

Theo ông Sơn, UBND Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất của một doanh nghiệp tại phường Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), nhưng theo khiếu nại của doanh nghiệp thì đơn vị không biết mà chỉ “nghe nói” có quyết định này.

Đại biểu cho hay quyết định này bắt nguồn từ kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2017 về việc thực hiện dự án của doanh nghiệp, nêu rõ 3 vấn đề chính là doanh nghiệp chưa có biên bản bàn giao mặt bằng; chưa nộp ngân sách tiền sử dụng đất và chưa thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, doanh nghiệp khẳng định Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra “rất bí mật”, không tiếp cận tìm hiểu hồ sơ, không làm việc với doanh nghiệp, và doanh nghiệp hoàn toàn không được biết về quá trình thanh tra cũng như kết luận sai phạm.

Đại biểu này nhấn mạnh ngay cả quyết định thu hồi đất cũng rất bí mật, doanh nghiệp không được nhận. Đến khi doanh nghiệp đi làm thủ tục mới biết đất đã bị thu hồi.

Vì thế, doanh nghiệp đã có đơn khiếu nại, thành phố giao Thanh tra TP xem xét lại trường hợp này. Sau khi có báo cáo từ thanh tra, thành phố đã có quyết định tạm ngừng thu hồi đất. Tuy nhiên từ 2017 đến nay doanh nghiệp không thể làm được gì với dự án.

“Theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tiến hành kiểm tra, thanh tra mới tham mưu cho TP thu hồi. Tuy nhiên Sở không xuống làm việc với doanh nghiệp mà vẫn tham mưu như vậy, rất vô cảm, vô trách nhiệm. Như vậy có vi phạm luật không?”, đại biểu chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết dự án được TP cho thuê đất từ năm 2004, năm 2008 đã bàn giao đất nhưng đơn vị chưa thực hiện xây dựng.

Năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra và gia hạn cho dự án thêm 6 tháng nhưng vẫn chậm thực hiện. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ có thanh tra các dự án chậm trên địa bàn TP và ra kết luận thu hồi đất. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho TP thu hồi đất giao cho doanh nghiệp.

“Sở không có thẩm quyền đi thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ mà chỉ thực hiện. TP đang giao thanh tra TP xem xét khiếu nại của doanh nghiệp. Khi có kết luận về vấn đề này sẽ thông báo”, ông Đông nói.

Yêu cầu doanh nghiệp tập hợp hồ sơ để xem xét

Chưa thỏa mãn với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn tiếp tục tái chất vấn.

Ông cho rằng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rất rõ là giao cho UBND TP xem xét, thu hồi. Như vậy, xem xét ở đây theo quy định trong Luật Đất đai và nhiệm vụ, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường là tổ chức thực hiện, chứ không phải Sở thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ.

thu hoi du an sai pham anh 2
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông. Ảnh: Sơn Hà.

“Đây là việc tham mưu cho TP xem xét thu hồi, luật đã quy định rất rõ. Anh không làm tức là anh vi phạm luật, đồng chí Giám đốc Sở cần phải đọc lại Luật Đất đai”, ông Sơn nói.

Làm rõ thêm vấn đề này, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết việc thu hồi đất này được thực hiện theo Luật Đất đai. Tuy nhiên, khi thu hồi xong, doanh nghiệp có khiếu nại lại quyết định của TP nên TP phải tiếp cận xử lý theo Luật Tố cáo.

Theo Phó chủ tịch Hà Nội, TP đã giao cho thanh tra rà soát, xem xét và trả lời trên tinh thần tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Thanh tra TP có phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Chính phủ trao đổi trước mắt là tạm dừng. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ sẽ có rà soát phối hợp, kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nên thành phố đã ra văn bản tạm dừng dự án”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng nói đại biểu Sơn thông tin lại cho doanh nghiệp nếu có hồ sơ, tài liệu gì mà trước đây quá trình thanh tra chưa làm rõ hoặc chưa phát hiện thì tập hợp để xem xét, giải trình và có báo cáo Thanh tra Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng TP xem xét giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị tăng mức phạt, dùng công nghệ giám sát việc tiểu bậy, vứt rác

Ngoài đề nghị tăng mức phạt, đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị cần sử dụng công nghệ thông tin để giám sát, xử lý việc vứt rác, tiểu bậy bừa bãi nơi công cộng.

Hoài Thu - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm