Phần chất vấn - trả lời chất vấn giữa đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn hôm 15/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xung quanh đề xuất giảm ùn tắc giao thông đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Không nhất thiết áp dụng trong mọi trường hợp
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đã chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về các giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh hạ tầng còn nhiều yếu kém.
Nữ đại biểu hỏi bộ trưởng nếu thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, bộ trưởng đi xe buýt, giám đốc sở đi xe đạp có giúp giảm ùn tắc được không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Minh Quân. |
Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của nữ đại biểu, “tư lệnh ngành” giao thông nói nếu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang xung phong thì Bộ GTVT xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm. Sau khi thí điểm chủ tịch đi xe máy, giám đốc sở đi xe đạp, mô hình ở tỉnh Hậu Giang tốt thì nhân rộng ra chứ chưa thể áp dụng đại trà.
Chia sẻ với Zing.vn về câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nói bà không đánh giá, nhưng bà chưa hài lòng về phần hồi đáp này. "Ý chính tôi muốn hỏi còn ở vế sau, nhưng có lẽ Bộ trưởng Thể chưa nghe rõ", bà Thủy nói.
Nói thêm về đề xuất đã nêu, nữ đại biểu chia sẻ bà không phải người đầu tiên đưa ra đề xuất này mà mới đây nhất, Chủ tịch Đồng Tháp đã là người thực hiện. Nữ đại biểu nêu ra đề xuất này vì muốn trao đổi với ông Thể, để bộ trưởng đưa ra giải pháp, kiến nghị với Chính phủ.
Vấn đề mấu chốt, theo bà Thủy, là phải xây dựng được hạ tầng giao thông đồng bộ, nếu yếu kém và thiếu đồng bộ như hiện nay thì rất khó thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: quochoi.vn. |
Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hậu Giang cho rằng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, bộ trưởng đi buýt, giám đốc sở đi xe đạp nếu được áp dụng rất tốt, không nhất thiết phải áp dụng ở một địa phương cụ thể.
Nhắc đến chuyện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp gương mẫu đi xe máy đến nơi làm việc, bà Thủy cho rằng không riêng gì Đồng Tháp, Hậu Giang, mà bất cứ nơi nào cũng có thể thực hiện, nếu hạ tầng giao thông đồng bộ và cán bộ có ý thức tiết kiệm.
Bộ trưởng đi xe buýt là bình thường
Theo dõi phần chất vấn này, cựu đại biểu Quốc hội Lê Nam đánh giá Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đang “đá bóng” cho đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, để một vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của ngành giao thông, một vấn đề chung của cả nước, thành vấn đề của tỉnh Hậu Giang. Ông Nam cho rằng “chân thành, cầu thị mới là điều đại biểu và cử tri cần”.
Cựu đại biểu Lê Nam cho rằng đề xuất của đại biểu Thủy vừa để giảm ùn tắc, tiết kiệm tiền ngân sách từ việc giảm sử dụng xe công, nhưng cũng cho thấy thực trạng sử dụng xe công không hiệu quả, nếu không muốn nói là tràn lan và lãng phí.
Cựu đại biểu Quốc hội Lê Nam. Ảnh: quochoi.vn. |
Thậm chí, ông Nam cho rằng việc lạm dụng xe công cho thấy sự quan cách, xa dân của cán bộ, mà điển hình mới nhất vừa qua chính là vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới hoành tráng cho con trai và có rất nhiều xe biển xanh, biển đỏ đến dự.
Đối lập với câu chuyện lãng phí đó, ông Nam cũng dẫn hình ảnh của Chủ tịch Đồng Tháp đi làm bằng xe máy, được nhiều người dân ủng hộ. “Có lẽ đó là chuyện lạ trong bối cảnh nhiều cán bộ sử dụng xe công bừa bãi như hiện nay”, ông Nam nói.
Nhắc đến đề xuất “bộ trưởng đi làm bằng xe buýt”, cựu đại biểu tỉnh Thanh Hóa cũng đồng tình với điều kiện như hiện nay thì rất khó thực hiện. Song theo ông Nam, nếu cố gắng để sớm cải thiện hạ tầng giao thông đến khi đủ điều kiện thì việc bộ trưởng đi làm bằng xe buýt hay xe đạp cũng là việc bình thường.