Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nhắc đến vấn đề “thời sự” nhất hiện nay, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chia sẻ sự sốt ruột và đề nghị Nhà nước nhanh chóng đốc thúc việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước để chủ động đuợc nguồn lực đối phó với dịch bệnh.
Ông cho rằng trong cơ cấu vốn đầu tư công trung hạn của 5 năm tới cần bố trí khoản vốn kịp thời cho nghiên cứu các dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh. Và trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, theo đại biểu, cần ưu tiên xây dựng một trung tâm vaccine quốc gia tầm cỡ, đủ để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An). Ảnh: Quốc hội. |
Ủng hộ đề xuất này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) kiến nghị Quốc hội xem xét dành vốn đầu tư cho hoạt động chống dịch trong cả giai đoạn 5 năm.
Theo bà, cần thiết xây dựng kịch bản dự phòng cho chi tiêu chống dịch, đốc thúc mua sắm, sản xuất vaccine, thậm chí, chuẩn bị kịch bản cho cả giai đoạn khi vaccine không còn thực sự hiệu quả để tấn công Covid-19, vì thực tế nhiều nước đã tiêm cho dân đủ 2 mũi nhưng dịch vẫn quay trở lại.
Đề cập tới định hướng đổi mới quản lý ngân sách theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, song đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng điều này phần nào khiến vốn đầu tư dàn trải, thiếu tiêu chí quyết định thống nhất. Thực tế, có những dự án khi được trình ra nêu rõ lý do cấp bách, nhưng chỉ sau 6 tháng lại “không còn cấp bách nữa”.
Từ thực tế đó, bà Mai cho rằng việc xây dựng danh mục dự án đầu tư “có màu sắc chủ quan của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương”.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh vốn đầu tư công chính là tiền thuế là của nhân dân, kể cả tiền Chính phủ đi vay cũng là người dân trả nợ. Ảnh: Hồng Phong. |
“Vốn đầu tư công chính là tiền thuế là của nhân dân, kể cả tiền Chính phủ đi vay cũng là người dân trả nợ. Vì vậy, không thể coi đây là khoản tiền thuộc sở hữu, tùy quyết của ai đó. Thực tế, có cá nhân lãnh đạo vẫn cứ cho rằng mình có quyền ban phát”, nữ đại biểu phản ánh.
Đại diện cử tri Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh nhân dân rất quan tâm đến hiệu quả sử dụng từng đồng ngân sách.
Ông cũng phản ánh về sự bức xúc, nỗi xót xa của cử tri về các dự án kém hiệu quả, “vung vãi tiền của dân” như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hay những dự án dở dang “khó thống kê nổi chi phí cơ hội phải trả”.
Đưa ra giải pháp, ông Bình đề nghị minh bạch dự án đầu tư công ở mức tối đa.
“Trong bối cảnh nguồn chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế, những hình thức gây lãng phí ngân sách, gây bức xúc như rót tiền tổ chức lễ hội, tiếp tân, khởi công, khánh thành… cần triệt tiêu”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Nói thêm về việc triển khai kế hoạch đầu tư công, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận một số quy định hiện nay còn chồng chéo, chậm trễ, chưa phân cấp, phân quyền rõ. Bên cạnh đó, có thực tế nhiều địa phương đùn đảy, né tránh gây kéo dài khi triển khai các dự án.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hồng Phong. |
Trong xây dựng, lựa chọn dự án, ông cho rằng vẫn còn “bệnh thành tích”, tư duy nhiệm kỳ, cứ “đề xuất lấy được” rồi lúc triển khai lại thiếu vốn. Nhiều dự án không cần thiết, hoặc có dự án quy mô vượt quá nhu cầu dẫn đến đội vốn, lãng phí và kéo dài.
Song, ông nhấn mạnh những hạn chế này chủ yếu do thực hiện chứ không phải do thể chế, vì cùng cơ chế đó có nơi làm tốt, có nơi không.
Bình luận