Phát biểu trong phiên thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc ban hành Luật biểu tình là cần thiết nhằm triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.
“Quyền biểu tình theo công ước quốc tế là quyền tụ họp hòa bình - nhiều quốc gia dùng cụm từ này” – đại biểu nói và viện dẫn Hiến pháp năm 1946 khi chưa có công ước về quyền con người đã dùng từ “quyền hội họp”.
Ông Nghĩa phân tích, biểu tình cần được hiểu rộng, đúng tinh thần hiến pháp 2013, công ước quốc tế là tụ họp hòa bình. Trong đó, gồm cả tụ họp hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; tụ họp để đáp ứng nhu cầu tâm linh như tang lễ, lễ hội, các nguyện vọng chính đáng. “Tính công khai và tính tập thể là 2 đặc trưng chủ yếu của quyền này” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu cho rằng, biểu tình không nhất thiết diễn ra ở ngoài đường, công viên và tuyệt đối không được xâm phạm lợi ích của người khác, của xã hội, đất nước. Theo quy định của Hiến pháp, nhân dân có quyền biểu tình và Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, công nhận, bảo vệ, bảm đảo các quyền ấy.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại hội trường Quốc hội sáng 26/7. Ảnh: Quochoi.vn. |
“Chúng ta phải làm luật để tạo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền và Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình. Không phải có Luật biểu tình thì người dân mới có quyền, chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân quyền này” - ông Nghĩa nêu quan điểm.
Theo lời đại biểu Nghĩa, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu rằng chúng ta đang hạn chế một số quyền của con người, trong đó có quyền biểu tình bằng văn bản dưới luật hiện nay là trái với Hiến pháp.
Từ các căn cứ trên, vị đại biểu đoàn TP HCM cho rằng, việc đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật khóa vừa rồi (khóa XIII) là đúng đắn, giúp Quốc hội nhận diện được nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm để tập trung giải quyết.
“Chúng ta đang quản lý bằng luật các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền đình công, bãi công, tự do tín ngưỡng, quyền bí mật đầu tư, quyền bí mật thư tín, quyền suy đoán vô tội… Không có lý do gì không làm sớm Luật biểu tình” - ông Nghĩa nói và đề nghị Quốc hội đưa việc cho ý kiến dự thảo luật biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và thông qua vào kỳ họp 5 và 6 năm 2018.
“Với trình độ lập pháp của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, đội ngũ chuyên gia pháp lý như hiện nay, Quốc hội hoàn toàn có cơ sở, khả năng trả món nợ luật pháp này với nhân dân” - ông Nghĩa nói.
Liên quan đến quá trình xây dựng luật, đại biểu Nghĩa đề nghị bộ phận soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong đó có kinh nghiệm xử lý biểu tình trái pháp luật.
“Cần phân biệt rõ những kẻ lợi dụng quyền biểu tình hay quyền tự do biểu tình chống phá nhà nước, gây mất ổn định an toàn, an ninh cho quốc gia, xã hội” – đại biểu nhấn mạnh.
Đến nay, dù nhiều lần được đề nghị, song Luật biểu tình liên tục "đưa vào rồi lại rút ra" khỏi chương trình làm luật, dẫn đến việc chưa luật hóa quyền hiến định của người dân.
Trao đổi với báo chí sau khi tái đắc cử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định "không lùi vô thời hạn Luật biểu tình". Tuy nhiên, theo bà Ngân, ban hành thế luật để đảm bảo quyền công dân, nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của dân và lợi ích của cả đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích: quyền của dân tham gia biểu tình, đúng pháp luật, phải tuân thủ pháp luật, mà không rối loạn đất nước.
"Luật biểu tình mà làm rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân không ai mong. Quốc hội khóa XIV sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của Chính phủ và trả món nợ cho dân", Chủ tịch Quốc hội nói.