Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại bàng, rồng và sư tử: Tương lai Singapore trong kỷ nguyên Trump

Singapore trong nhiều thập kỷ đã cân bằng hoàn hảo mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Giờ đảo quốc này đứng trước nhiều thách thức với một Trung Quốc đang lên và nước Mỹ bất định.

Trong nhiều năm dài, đất nước Singapore đã luôn giữ mối quan hệ hòa hảo với cả Trung Quốc và Mỹ và dùng những mối quan hệ này củng cố sức mạnh kinh tế lẫn địa vị quốc tế. Dù vậy, trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump giảm dần sự chú ý khỏi châu Á còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng quyền lực hơn, vị trí của Singapore trở nên lung lay.

"Nếu có ai đó có thể giữ cân bằng, đó phải là Singapore", CNN dẫn lời ông Kerry Brown, Giám đốc Viện nghiên cứu Lau China thuộc King's College London (Anh), nói.

"Nếu Singapore không thể, không ai khác có thể".

chien luoc Singapore anh 1
Ngày 9/8 là Quốc khánh lần thứ 52 của Cộng hòa Singapore. Ảnh: AFP.

Nước nhỏ, vị thế lớn

Singapore, quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé với người Hoa chiếm đa số, là đất nước duy nhất trên thế giới có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông.

Hơn nửa thế kỷ từ ngày lập quốc, Singapore hiện là trung tâm tài chính của thế giới và một nền kinh tế với thị trường tự do cao độ. Trong khi láng giềng chật vật xoay xở với các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, Singapore tiếp tục thịnh vượng và ổn định.

Singapore án ngữ eo biển Malacca, một trong những tuyến giao thương giá trị nhất thế giới với lượng lớn dầu của châu Á được vận chuyển qua đây mỗi ngày. Trong năm 2015, hàng trăm tỷ USD hàng hóa đã được vận chuyển qua đường biển của Singapore với cảng Singapore nhiều năm liền là cảng biển bận rộn thứ 2 trên thế giới (sau cảng Thượng Hải).

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính đến năm 2014, Singapore là nơi giàu thứ ba châu Á xét theo GDP đầu người với 82.762 USD/người/năm, sau Qatar và Macau.

chien luoc Singapore anh 2
Bến cảng Singapore, một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Về mặt chính trị, Singapore trên trường quốc tế thường xuyên có tiếng nói lớn hơn quy mô dân số của nó. Đất nước này là 1 trong 5 thành viên sáng lập của ASEAN, bên cạnh các quốc gia với dân số hàng trăm triệu như Philippines và Indonesia. Kể từ năm 2010, Singapore thường xuyên được mời tham dự các sự kiện của khối 20 nền kinh tế lớn của thế giới G20.

Những thập kỷ 'đi dây'

CNN nhận định quyền lực của Singapore không chỉ đến nhờ sự giàu có mà còn vì những mối quan hệ mà nước này đã xây dựng thành công với 2 siêu cường của thế giới.

Singapore đã là đối tác quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á, trở thành nơi nghỉ dưỡng và tiếp nhiên liệu cho lực lượng Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh. Dù vậy, ngay khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình quyết định mở cửa nền kinh tế, Singapore, bất chấp những khác biệt ý thức hệ, nhanh chóng trở thành đối tác của Trung Quốc.

"Singapore đã tranh thủ được cơ hội để hợp tác với Trung Quốc. Mối quan hệ phát triển rất nhanh chóng, không chỉ vì các cơ hội kinh tế mà sự tương đồng ngôn ngữ đã khiến họ dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc", ông Chong Ja Ian, Giáo sư Trợ lý tại Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

chien luoc Singapore anh 3
Thủ tướng Lý Quang Diệu đón lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đến thăm Singapore vào năm 1978. Trong nhiều năm, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng với Singapore trong khi các giới lãnh đạo ở Bắc Kinh học hỏi Singapore mô hình tổ chức nhà nước, điều hành xã hội. Ảnh: AFP.

Năm 2015, Singapore chứng tỏ vai trò đặc biệt của họ đối với Trung Quốc khi trở thành nơi tổ chức cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó là ông Mã Anh Cửu. Đó là lần đầu tiên lãnh đạo 2 bờ eo biển Đài Loan gặp nhau kể từ năm 1949, khi nội chiến Trung Quốc kết thúc.

Ngày nay, không quân và hải quân Mỹ vẫn đồn trú tại Singapore, bao gồm tàu chiến đấu ven biển USS Coronado và hơn 1.000 nhân sự làm nhiệm vụ sửa chữa và tiếp tế cho các thành viên Hạm đội 7 của Mỹ. Về thương mại, Trung Quốc và Hong Kong là nơi nhập khẩu 1/4 giá trị hàng hóa xuất từ Singapore, khoảng 60 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu của Mỹ đối với Singapore vào khoảng 30 tỷ USD.

Theo Giáo sư Wang Yiwei tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Singapore còn là mắt xích quan trọng trong 2 sáng kiến chính trị và kinh tế khu vực của Trung Quốc là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và chiến lược Vành đai, Con đường.

"Đó là điều tự nhiên. Singapore là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác (trong khu vực)", theo ông Wang.

"Dằn mặt"

Sức mạnh đang lên của Trung Quốc trên toàn cầu, cộng thêm sự trỗi dậy của Tổng thống Trump tại Mỹ đặt Singapore vào tình thế khó khăn hơn trước. Vấn đề bắt đầu từ Biển Đông.

Trung Quốc đang gây sức ép mạnh cho các nước trong ASEAN về vấn đề này, đặc biệt với các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa trên các đảo này. 

Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì từng cảnh báo đại diện các nước ASEAN trong một cuộc họp: "Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là thực tế".

Sáu năm sau, Singapore kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài đối với vụ kiện do Philippines kiện đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bắc Kinh ngay lập tức thể hiện không hài lòng với "nước nhỏ" Singapore. Tháng 11/2016, 9 xe bọc thép của Singapore bị giữ lại Hong Kong khi đang trên đường từ Đài Loan chuyển về Singapore. Vụ việc được cho có sự sắp xếp từ giới chức Trung Quốc.

chien luoc Singapore anh 4
9 chiếc xe bọc thép của Singapore bị giữ lại Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post.

Đến tháng 5/2017, Thủ tướng Lý Hiển Long không được mời tham dự Diễn đàn Vành đai, Con đường tại Bắc Kinh, sự kiện ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay dù trước đó ông Lý đã tuyên bố ủng hộ sáng kiến Vành đai, Con đường.

Quan hệ 2 nước khá lên gần đây, dù vậy, giai đoạn lạnh nhạt cho thấy việc Trung Quốc không ngần ngại thể hiện sự không hài lòng với các nước "cứng đầu", ở đây là Singapore.

"Trung Quốc đã đến giai đoạn... họ cảm thấy có thể ra lệnh cho các nước nhỏ hơn về mối quan hệ song phương, nếu phía kia cảm thấy họ muốn độc lập, Trung Quốc sẽ quyết định họ được đi xa đến đâu", CNN dẫn lời Giáo sư Barr.

Trước đây, Singapore có thể dựa vào Mỹ để kiềm chế tham vọng ảnh hưởng của Trung Quốc. Hiện nay, giới lãnh đạo Singapore không thoải mái với sự bất định của Tổng thống Trump tại Mỹ, nơi mà Singapore vẫn phải phụ thuộc về an ninh.

Ngoài ra, đối với một đất nước phụ thuộc thương mại như Singapore, quan điểm bảo hộ "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump cũng đe dọa sự thịnh vượng của đất nước nhỏ bé này.

"Nếu Trump nghiêm túc theo đuổi con đường triệt tiêu thương mại tự do, dựng lên các rào cản, đóng vai một đồng minh không đáng tin... Tôi có thể thấy không chỉ Singapore mà cả Đông Nam Á xếp hàng về phía Trung Quốc", Michael Barr, Giáo sư Trợ lý ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Flinders (Australia) và là tác giả cuốn sách The Ruling Elite of Singapore (tạm dịch: Giới Tinh hoa Nắm quyền ở Singapore) nói.

Thế khó của Singapore ngày nay không phải câu chuyện của riêng họ mà là của cả các láng giềng Đông Nam Á.

"Từ Philippines đến Malaysia, trên khắp khu vực này người ta có thể thấy sức ép (của Bắc Kinh). Singapore không phải ngoại lệ, chỉ đơn giản là Singapore từng cân bằng rất tốt", ông Brown nhận định.

chien luoc Singapore anh 5
Singapore, với dân số hơn 5 triệu người, là nước giàu nhất Đông Nam Á. Ảnh: AFP.

Chỉ mới 7 năm trước, con đường "song song" mà Singapore theo đuổi có vẻ đầy triển vọng và ổn định.

"Trung Quốc là một câu chuyện vĩ đại và là đối tác thương mại lớn của chúng tôi, nhưng Trung Quốc không phải toàn bộ bức tranh. Nước Mỹ có một vai trò Trung Quốc, hay bất cứ ai đều không thể thay thế", Thủ tướng Lý Hiển Long nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010.

Sáu năm sau bài phỏng vấn đầy tự tin, thái độ của Thủ tướng Lý đã có chút khác biệt.

"Chúng tôi là bạn với cả Mỹ và Trung Quốc. Cả hai đều tin rằng Thái Bình Dương đủ rộng lớn để dung chứa 2 cả siêu cường và Chủ tịch Tập gần đây đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc nên 'vun đắp cho những tình bạn chung"', ông Lý phát biểu nhân dịp Quốc khánh Singapore vào năm 2016.

"Tôi nghĩ mọi người đều đang nhận ra rằng mối quan hệ với Trung Quốc, suy cho cùng, quan trọng hơn mọi thứ, về mặt kinh tế", ông Brown nhận định.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xúc động kể chuyện về cha Ông Lý Hiển Long xúc động nhớ lại hình ảnh của ông Lý Quang Diệu, cùng những kỷ niệm mà ông có với người cha luôn bận rộn công việc chính trị và trách nhiệm quốc gia.

ASEAN: Từ Chiến tranh Lạnh tới 50 năm xua tan ngờ vực

ASEAN ngày nay trở thành tổ chức khu vực thành công thứ hai thế giới, sau Liên minh Châu Âu (EU). Đó là điều mà ít ai nghĩ tới khi tổ chức này ra đời cách đây tròn nửa thế kỷ.

Giáo sư Mỹ bị Singapore 'cấm cửa' vĩnh viễn vì làm gián điệp

Giáo sư nổi tiếng của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu bị Singapore tước tư cách thường trú nhân vĩnh viễn vì thông đồng với chính phủ nước ngoài.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm