Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặc sản nào được chuộng trong giỏ quà Tết năm nay?

Phù hợp với chất lượng sản phẩm, mang nhiều giá trị cộng thêm và uy tín của doanh nghiệp là ba yếu tố quan trọng quyết định đến hành vi mua sắm tết của người tiêu dùng.

Đây cũng là những chia sẻ của các doanh nghiệp VN tại tọa đàm “Sản phẩm mới và những nét đặc sắc của hàng Việt tết 2014”, khởi động cho chương trình “Tết Việt - hàng Việt” tổ chức ngày 16/12 ở TP.HCM.

Trà râu bắp, cháo dinh dưỡng...

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết xu hướng mua giỏ quà tết những năm gần đây đa số chọn thực phẩm. Thống kê cho thấy nhiều quà giá tốt được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn từ 300.000-500.000 đồng/giỏ. Trong giỏ quà có gì? Nhóm khảo sát của siêu thị phát hiện dù xu hướng tiết kiệm nhưng người tiêu dùng vẫn muốn tự làm mới giá trị giỏ quà tặng bằng những món hàng đặc sản hoặc hương vị quê hương. Vì vậy để quảng bá chung cho hàng Việt trong dịp tết năm nay, Saigon Co.op cho phát hành 600.000 cuốn cẩm nang mua sắm, trong đó ngoài những mẫu quà gói sẵn, khách còn có thể tự chọn những sản phẩm riêng lẻ của các doanh nghiệp VN, thiết kế giỏ quà cho riêng mình.

Đại diện các doanh nghiệp xem sản phẩm mới tại buổi tọa đàm sáng 16/12 - Ảnh: Thanh Đạm

Bà Lê Thanh Trúc - Phó tổng giám đốc công ty rượu Phú Lễ (Bến Tre), đơn vị tham gia Giỏ quà tết Việt năm nay - tiết lộ do không dự đoán được thị trường nên năm ngoái sản phẩm của công ty bị rơi vào tình trạng “cháy hàng” dịp tết. “Rút kinh nghiệm những lần trước, năm nay chúng tôi luôn trữ hàng gấp 10 lần so với ngày thường” - bà Trúc nói. Cũng được xem là mặt hàng sản phẩm thuần Việt, ông Huỳnh Quang Vinh, phó Tổng giám đốc công ty Rau quả thực phẩm An Giang, cho biết các mặt hàng của công ty đã xuất khẩu đi nước ngoài từ nhiều năm, bây giờ mới tìm hiểu, thâm nhập thị trường trong nước. Dự kiến đơn vị này sẽ chọn lọc đưa ra thị trường nhiều mặt hàng truyền thống trong dịp tết này như: chôm chôm nhân dứa, trà râu bắp, dưa chua lên men...

Rất nhiều doanh nghiệp đã xem dịp tết là cơ hội tung ra sản phẩm mới lạ, độc đáo nhằm thu hút người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc nhãn hiệu bánh kẹo Hữu Nghị, khẳng định đơn vị cũng mạnh dạn đưa các loại mứt vào kinh doanh tại thị trường phía Nam. “Chúng tôi hi vọng mứt được đóng gói, sản xuất theo tiêu chuẩn sẽ được người tiêu dùng đón nhận” - ông Hùng cho hay. Hay các sản phẩm cháo dinh dưỡng ăn liền của Saigon Food được đẩy mạnh trong dịp tết này nghe có vẻ không liên quan đến tết nhưng nếu ngẫm kỹ trong những ngày vui chơi tết, bà nội trợ không có nhiều thời gian chuẩn bị bữa cơm tươm tất thì đây là “trợ thủ” đắc lực.

Rẻ thôi chưa đủ

Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, chỉ riêng tập trung đầu tư chất lượng sản phẩm đã ngốn hết vốn của doanh nghiệp VN, chi phí cho phân phối và truyền thông gần như không có. Vậy làm sao bán được hàng, đặc biệt khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài?

Ông Phan Văn Dũng, giám đốc phụ trách thị trường nội địa công ty Vissan, cho biết nằm trong nhóm hàng bình ổn của TP.HCM nên từ tháng 6/2013, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng, cam kết không tăng giá. Thậm chí trong thời điểm sức mua thấp sẽ có nhiều khuyến mãi, riêng thời điểm cận tết có những mặt hàng giảm giá sâu phục vụ người mua sắm muộn. Ông Dũng cho biết giảm giá không phải là xả hàng vì vẫn đảm bảo chủng loại, chất lượng.

Theo các nhà bán lẻ, những năm khó khăn cho thấy sức mua thường dồn vào phút cuối, vì vậy nhà bán lẻ cũng như doanh nghiệp không nên nao núng nếu sức mua những ngày trước tết ì ạch. Kinh nghiệm của nhà bán lẻ có hệ thống siêu thị rộng khắp cả nước, ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ càng khó khăn doanh nghiệp càng phải quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đối với những sản phẩm mới, doanh nghiệp phải làm công tác giới thiệu tại chỗ.

Với vai trò là nhà đồng hành trong công tác truyền thông, ông Đỗ Văn Dũng, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp VN: sản xuất một sản phẩm tốt đã vất vả nhưng tìm cách đem sản phẩm đó đến người tiêu dùng còn gian nan hơn khi nguồn lực có hạn. “Trong nhiều năm, báo Tuổi Trẻ luôn tâm niệm rằng cần phải làm gì đó để cổ động tiêu dùng hàng VN nhiều hơn. Vì vậy, một trong những chủ trương của ban biên tập báo Tuổi Trẻ là sẵn sàng dành nhiều thông tin hơn cho hàng Việt, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền...” - ông Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm