Đặc nhiệm áo đen tinh nhuệ trong nghi án Kim Jong Nam
Thứ sáu, 3/3/2017 18:47 (GMT+7)
18:47 3/3/2017
Với mức độ nghiêm trọng của vụ sát hại công dân Triều Tiên, Malaysia điều động lực lượng đặc nhiệm hoàng gia của nước này tới bảo đảm an ninh trong những sự kiện đáng chú ý.
Lực lượng Đặc nhiệm Cảnh sát Hoàng gia Malaysia bảo vệ khu vực pháp y của Bệnh viện Quốc tế Kuala Lumpur sáng sớm ngày 21/2. Đây là nơi thi thể của người đàn ông Triều Tiên bị nghi là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, được lưu giữ. Ảnh: AFP/Getty.
Các thành viên lực lượng đặc nhiệm rời nhà xác bệnh viện ngày 21/2. Lực lượng Đặc nhiệm về Tội phạm có tổ chức (Stafoc) thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia được điều động tới bảo vệ nhà xác khi rất đông phóng viên trong nước và quốc tế tụ tập ở đây để chờ con trai Kim Jong Nam xuất hiện. Ảnh: Reuters.
Lực lượng đặc nhiệm đứng gác tại cổng nhà xác, nơi tiến hành khám nghiệm tử thi của người được cho là Kim Jong Nam, vào ngày 21/2. Họ đã bắt giữ một quay phim người Hàn Quốc tìm cách vào nhà xác này. Ảnh: Reuters.
Phiên tòa xét xử 2 nữ nghi phạm liên quan tới vụ sát hại công dân Triều Tiên được cho là Kim Jong Nam diễn ra ngày 1/3 ở Selangor cũng được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng này. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ này được thành lập vào cuối năm 2013 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2014. Họ có nhiệm vụ đối phó với tội phạm nghiêm trọng trong nước, đặc biệt là loại tội phạm có tổ chức liên quan tới xã hội đen, buôn bán ma túy, cờ bạc và buôn người. Ảnh: The Star.
Nghi phạm được lực lượng an ninh bảo vệ khi tới Tòa án quận Sepang, bang Selangor vào ngày 1/3. Các thành viên của Stefoc bao gồm cả nam và nữ được lựa chọn kỹ lưỡng từ các bộ phận khác nhau. Sau khi trải qua khóa huấn luyện đặc biệt, đội ngũ ưu tú này sẽ được phân bổ về Cục Điều tra Hình sự (CID) và Cục Điều tra Tội phạm Ma túy (NCID) nhằm đáp ứng thách thức của việc đối phó với các tổ chức tội phạm ngày càng phức tạp và bạo lực. Ảnh: Getty.
Các thành viên của Stafoc thường mặc đồng phục màu đen, loại trang phục tiêu chuẩn cho lực lượng chống khủng bố. Họ đội mũ trùm có tác dụng chống cháy giúp bảo vệ khuôn mặt cũng như danh tính của họ. Ảnh: New Straits Times.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương (áo vàng) được hộ tống rời tòa sau khi nghe xong cáo trạng. Lực lượng đặc nhiệm thường đội mũ bảo hiểm và mặc áo đặc dụng có ghi chữ 'Polis' (Cảnh sát trong tiếng Malaysia) hoặc dấu hiệu RMP (Cảnh sát Hoàng gia Malaysia) để giúp nhận biết dễ dàng. Ảnh: New Straits Times.
Nghi phạm Indonesia Siti Aisyah (giữa) được cảnh sát hộ tống đến Tòa án Sepang tại Sepang, Malaysia vào ngày 1/3. Trang bị cơ bản của một sĩ quan Stafoc bao gồm súng ngắn và súng tiểu liên. Ngoài ra, họ còn sử dụng các loại vũ khí khác bao gồm súng trường, súng trường bắn tỉa và thậm chí cả súng máy tùy thuộc vào tình hình. Ảnh: AP.
Cảnh sát đeo mặt nạ theo dõi khu vực tòa án từ các vị trí trên cao để đảm bảo an ninh cho sự xuất hiện của 2 nữ nghi phạm trước tòa. Khoảng 200 cảnh sát đã tham gia giám sát và bảo vệ an ninh cho phiên tòa ngày 1/3, bao gồm cảnh sát có vũ trang và các xe bán tải được sử dụng để áp giải nghi phạm. Sự hiện diện dày đặc của lực lượng an ninh cho thấy Malaysia lo lắng cho sự an toàn của các bị cáo hoặc nhận thấy cần đề phòng các mối đe dọa có thể xảy ra trong bối cảnh vụ việc được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt. Ảnh: AFP/Getty.
Malaysia là tâm điểm của hai sự việc gây chấn động truyền thông quốc tế: MH370 mất tích năm 2014 và người được cho là Kim Jong Nam bị sát hại hôm 13/2.
Sáng 3/3, Bộ ngoại giao Malaysia khẳng định nước này phản đối việc dùng chất độc thần kinh VX trong vụ tấn công hôm 13/2 khiến người được cho là ông Kim Jong Nam tử vong.
Các chuyên gia nói luật pháp Malaysia cho phép nhà chức trách nhận dạng thi thể của người Triều Tiên nghi là Kim Jong Nam mà không cần chờ người nhà nạn nhân cung cấp mẫu ADN.